Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam: “Nóng” chuyện kết nối giao thông
VOV.VN - Vấn đề kết nối giao thông cũng được các tỉnh trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang…đặt lên hàng đầu.
Sáng 12/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức hội nghị lần thứ 1.
Hệ thống giao thông hiện đại của TP Hồ Chí Minh đã trở thành đầu mối kết nối liên vùng (Ảnh: Internet) |
Lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm này đều thống nhất rằng, gần đây, sự kết nối giữa các địa phương trong vùng để cùng phát triển đã có nhưng vẫn chưa chặt chẽ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là vấn đề được nêu ra từ trước tới nay, đó là chưa có một cơ quan điều phối vùng và ở từng bộ, ngành cũng chưa có một đơn vị điều phối từng lĩnh vực của vùng, kéo theo đó là cơ chế phối hợp, chính sách riêng cho vùng cũng chưa có.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng là Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2015-2016 cho rằng, sự phát triển đang đặt các tỉnh, thành yêu cầu phải kết nối với nhau chặt chẽ hơn, liên tục hơn. Vì vậy, sắp tới, thành phố sẽ đứng ra tổ chức kết nối kinh tế với các tỉnh và giữa các tỉnh với nhau, trong đó, đầu tiên phải tính đến việc kết nối giao thông.
Thế mạnh của từng tỉnh,như: phát triển công nghiệp ở Đồng Nai, du lịch ở Bà Rịa- Vùng Tàu… sẽ bị chững lại, không mở ra được nếu giao thông với Thành phố Hồ Chí Minh và với các địa phương trong vùng không thông thoáng.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: Tại các cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh hay xảy ra tình trạng tắc nghẽn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế không chỉ với thành phố mà với hàng hóa xuất nhập khẩu từ các tỉnh. Đồng Nai là cửa ngõ nhưng cũng thường xuyên tắc nghẽn. Các doanh nghiệp ở Đồng Nai lúc nào cũng trong tình trạng lo lắng không biết hàng có ra cảng kịp không.
Hiện nay, các cửa ngõ vào Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên bị ùn tắc, việc phát triển giao thông cả về đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không đều phải tính đến để đáp ứng sự phát triển kinh tế- xã hội. Hướng nối với Bà Rịa- Vũng Tàu dù có cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành nhưng vẫn kẹt. Cho nên, hệ thống đường sắt đô thị đang xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh được các tỉnh đề nghị kéo dài, mở rộng ra đến Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu của Bà Rịa - Vũng Tàu và kết nối với cả Bình Dương.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị kết nối đường sắt của TPHCM đến Long Thành, đền Vũng Tàu, trong giai đoạn gần nhất cũng phải đến khu vực khu công nghiệp cảng Cái Mép - Thị Vải.
Đại diện Bộ Giao thông- Vận tải cũng thừa nhận hạ tầng giao thông của vùng kinh tế này chưa hoàn thiện và kết nối chưa tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế vùng. Vấn đề phát triển đường sắt đô thị, đường cao tốc trong vùng về chủ trương thì đã có, vướng ở nguồn lực, ở thu hút đầu tư. Các tỉnh, thành trong vùng sẽ một mặt kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bằng cơ chế, nguồn lực, đồng thời sẽ chủ động, quyết liệt hơn nữa để kết nối giao thông, ưu tiên trước cho hướng vào sân bay, cảng biển…
Vị trí chiến lược và tầm quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định. Vùng này đang có mức tăng trưởng kinh tế gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cho nên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của cả vùng cần được quan tâm đúng mức./.