Vùng rau hữu cơ Thanh Đông luôn trong tình trạng "cháy hàng"
VOV.VN - Dù tăng gần gấp đôi diện tích nhưng vùng rau hữu cơ Thanh Đông, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Từ 6.000 m2 ban đầu, đến nay vùng rau hữu cơ Thanh Đông, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tăng gần gấp đôi diện tích. Mỗi ngày làng rau này chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 50 kg rau, củ các loại, đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân địa phương.
Làm rau hữu cơ, ngày nào người nông dân cũng phải có mặt trên đồng ruộng |
Những bó rau, củ quả được đóng gói, dán nhãn mác với đầy đủ xuất xứ, thời hạn sử dụng không còn xa lạ với người tiêu dùng thành phố Hội An. Chị Trần Thị Ngọc Tuyết, một tiểu thương ở chợ Lê, phường Cẩm Châu cho biết, chợ này có 1 đại lý chuyên bán rau hữu cơ Thanh Đông nhưng 1 tuần chỉ bán dăm ba ngày vì không có rau để bán. Theo chị Tuyết, rau Thanh Đông mùa nào thức nấy, giá cả cao hơn rau bình thường nhưng nhiều người rất ưa chuộng.
Đầu năm 2014, làng rau hữu cơ Thanh Đông, phường Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được hình thành và là nơi khởi nguồn cho nông nghiệp hữu cơ tại khu vực miền Trung. Làng rau này là cách xa nhà máy, xí nghiệp, xa đường Quốc lộ, xung quanh có bờ bao nên hạn chế khói bụi, không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Chức, người tham gia làng rau Thanh Đông ngay từ ngày đầu thành lập bộc bạch, thoạt đầu nghe đến làm rau hữu cơ nhiều người e ngại bởi cách làm khác với sản xuất rau thông thường, quy trình trồng rau hữu cơ hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Trong khi lâu nay bà con quá quen với việc mỗi khi rau bị sâu bệnh chỉ cần ra chợ mua thuốc trừ sâu về phun rồi đi làm việc khác.
Rau được bón bằng phân chuồng ủ nóng |
Từ 6.000 m2 đất dành cho canh tác hữu cơ, đến nay làng rau hữu cơ Thanh Đông mở rộng lên khoảng 10.000 m2 với 10 hộ tham gia sản xuất. Thời gian đầu, sản phẩm rau hữu cơ đưa ra thị trường rất khó cạnh tranh bởi giá thành cao.
Sau khi được Phòng Kinh tế thành phố Hội An và Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị hỗ trợ về kỹ thuật, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu nên người dân ngày càng tin dùng rau hữu cơ. Nhiều siêu thị, nhà hàng, đại lý ở tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng đặt mua rau hữu cơ ở đây ngày càng nhiều. Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau sạch tăng cao nhưng làng rau Thanh Đông chỉ cung ứng được khoảng 50 kg rau mỗi ngày.
Theo ông Huỳnh Sơn Tranh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Thanh, thành phố Hội An, địa phương đã nghĩ đến việc mở rộng quy mô sản xuất rau hữu cơ nhưng rất khó, bởi nguồn nước khu vực này bị nhiễm chua phèn; quỹ đất ngày càng thu hẹp do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa. Hiện nay, thu nhập của nông dân làng rau Thanh Đông quá thấp, khoảng 3 triệu đồng mỗi hộ/ tháng. Để tăng thu nhập cho bà con, địa phương hướng đến việc sản xuất rau hữu cơ gắn với du lịch trải nghiệm.
Ông Huỳnh Sơn Tranh trăn trở, muốn làm được điều này, trước hết phải giữ được thương hiệu rau Thanh Đông. Sản phẩm được đóng gói và có sự kiểm soát từ trước khi xuất rau ra bán.
Nhà sơ chế thuốc xua đuổi sâu ăn rau bằng ớt, tỏi, rượu, đường |
Ông Võ Như Tùng, cán bộ Phòng Kinh tế thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình rau hữu cơ và chọn xã Cẩm Kim để tập trung đầu tư xây dựng làng rau hữu cơ, quy mô ban đầu khoảng 5.000 m2.
"Dự kiến, thời gian đến theo Đề án phát triển làng quê, làng nghề sinh thái của xã Cẩm Kim có mô hình về sản xuất rau hữu cơ cho nông dân ở địa phương, diện tích khoảng 5.000 m2. Đến thời điểm này, cơ bản tình hình triển khai mới ở giai đoạn quy hoạch và xây dựng các hệ thống hạ tầng cơ bản để chuẩn bị trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ", ông Tùng cho hay./. Thị trường rau hữu cơ: Thật - giả lẫn lộn