WB dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ở mốc 9%
Đây cũng là những nhận định được nêu trong bản báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam của WB sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam sắp tới.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Martin Rama cho biết, mục tiêu về lạm phát mà Quốc hội đặt ra có thể không đạt được nhưng lạm phát của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức một con số (khoảng 9% - theo dự báo của WB) trong năm 2010.
"Với những chính sách đang đi đúng hướng cùng với việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay, lạm phát của Việt Nam năm nay sẽ ở mức một con số và tăng trưởng kinh tế (GDP) sẽ vào khoảng 6,5%, thậm chí còn có thể cao hơn," ông Martin Rama cho biết tại cuộc họp báo chiều 3/6 về Hội nghị CG giữa kỳ.
Phân tích về bản báo cáo này, ông Martin Rama cho hay: Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng toàn cầu thành công hơn các nước khác, nhờ sự ứng phó của Chính phủ với các điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, việc duy trì mức lãi suất cao là một nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng năm 2010, WB cho biết Việt Nam không tranh thủ được sự phục hồi các dòng vốn quốc tế mà các nước khác đang được hưởng. Bởi ở các nước khác, dòng vốn này đang làm đồng bản tệ lên giá trong khi ở Việt Nam lại phải vật lộn với sự mất giá của đồng tiền. Tuy nhiên, “năm 2010 vẫn là một năm thành công với Việt Nam khi GDP có thể đạt mức 7% và lạm phát khoảng 9%," đại diện WB nói.
Liên quan đến dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, ông Martin Rama cho rằng: Việt Nam thực hiện “siêu dự án” này cần cân nhắc trên cơ sở khuyến nghị tái cơ cấu kinh tế mà WB sẽ đưa ra tại cuộc họp CG tới tại Kiên Giang; trong đó những đề xuất về tìm kiếm các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ là một trọng tâm.
Theo WB, có 3 điểm để Việt Nam cân nhắc khi thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đó là: GDP trong những năm tới là bao nhiêu, dòng tiền thế nào và chính sách cho vay của nhà tài trợ ra sao. Yếu tố về cơ sở hạ tầng cũng là một trong những điểm mà chuyên gia WB đề cập khi Việt Nam tính tới chuyện thực hiện dự án này.
"Chúng tôi sẽ cùng Chính phủ Việt Nam bàn bạc trên cơ sở xác định nhu cầu đầu tư để triển khai việc tìm kiếm nguồn vốn, đặc biệt là bên cạnh các nguồn vốn ODA thì cũng cần thúc đẩy mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng," ông Martin Rama nhấn mạnh./.