Xác định công nghiệp chủ lực trong bối cảnh nhiều tác động từ bên ngoài

VOV.VN - Nghị quyết 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã “coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH”; và “CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”.

Thời gian qua, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần mở rộng sản xuất và xuất khẩu hàng hoá, tiêu dùng - trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng - với tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 25% trong GDP (đạt hơn 24,8% năm 2021 và hơn 25% năm 2022). Đây là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030” (Đề án 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023) với mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030. Đề án 165 cũng là cơ sở để ngành Công Thương hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 29/NQ-TW.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết về những lĩnh vực trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được tập trung ưu tiên chú trọng trong giai đoạn này: “Công nghiệp chế biến, chế tạo liên quan đến cả một chuỗi sản xuất, tập trung từ nguyên liệu đầu vào, công nghiệp luyện kim nền tảng. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, cho nên phát triển nguyên vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất trong nước rất quan trọng”.

Rõ ràng trước các tác động không thuận của tình hình thế giới, với các diễn biến nhanh, phức tạp khôn lường và khó đoán định, đặc biệt là sau cú sốc “đại dịch covid-19”, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine leo thang, kéo dài và chưa biết khi nào mới dừng lại đã tác động tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Giảm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hoá leo thang, khủng hoảng thiếu nguyên nhiên vật liệu, nhưng lại dư thừa nguồn cung hàng hoá, sản phẩm tiêu dùng do thắt chặt chi tiêu, rồi lạm phát… Với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã chịu tác động trực tiếp, nhiều chiều.

Các chuyên gia cho rằng, cần tính tới các trọng tâm, trọng điểm thay vì tiếp tục dàn trải, manh mún. Nếu không xác định được các “mũi nhọn” để phát triển công nghiệp một cách tự chủ, giảm phụ thuộc bên ngoài, các tác động tới kinh tế - xã hội sẽ còn lớn hơn. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt chú ý tới quan điểm, định hướng của Đảng “coi công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt”. Đảng xác định “chế tạo” trước “chế biến” thay vì chúng ta quen với “chế biến, chế tạo”. Hiểu đúng chỉ đạo này sẽ quyết định hướng đi và lựa chọn đúng ngành nghề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

Từ thực tế khó khăn của ngành cơ khí - vốn được coi là công nghiệp nền tảng, quan trọng trong ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam - nhưng lại đang thiếu các cơ chế để nâng cao năng lực tự chủ; phần lớn các thiết bị cơ khí chế tạo của các ngành xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải, thiết bị y tế… vẫn đang phụ thuộc nhập khẩu, PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng: “Trong thời gian vừa rồi, có một số yếu tố chúng ta cần phải cân nhắc, yếu tố thứ nhất là khi có dịch bệnh, có chiến tranh hay những cái này, cái khác thì chúng ta mới thấy ngành cơ khí là quan trọng. Bởi vì khi có chiến tranh, dịch bệnh là tất cả những chuỗi cung ứng bị đứt gãy và chúng ta không thể tự chủ trong những công trình xây dựng của đất nước. Tất cả máy móc, thiết bị trong thời gian vừa rồi tăng giá khoảng 20-30% chưa kể thời gian nhập khẩu về là rất khó... Nếu mà công nghiệp cơ khí không phát triển được thì nhà nước thiệt chứ không phải doanh nghiệp thiệt”.

Dựa trên các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của một số ngành kinh tế như: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch phát triển giao thông đường sắt nội đô… Hiệp hội cơ khí Việt Nam tính toán, thị trường sản phẩm cho ngành công nghiệp cơ khí có thể lên tới trên 400 tỷ USD Mỹ. Tại bản Quy hoạch điện 8 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ riêng lĩnh vực điện gió nhu cầu thiết bị cơ khí cũng lên tới hàng trăm tỷ USD, trong đó rất nhiều thiết bị Việt Nam có thể làm chủ, nhưng thị trường này đang phụ thuộc nhập khẩu gần như hoàn toàn.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp gắn với tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, để hiện thực hoá Đề án 165/QĐ-TTg trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 29/NQ-TW, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh, cần chủ động phát triển công nghiệp chế tạo trong nước trở thành một lĩnh vực công nghiệp nền tảng, để kết hợp sức mạnh của các ngành nghề, lĩnh vực và các thành phần kinh tế, doanh nghiệp.

Trên thực tế, tăng trưởng GDP hiện nay đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, trong khi xuất khẩu lại phụ thuộc lớn từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - với hơn 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Do đó, chỉ cần có những tác động không thuận từ bên ngoài (hoặc do doanh nghiệp FDI chuyển hướng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường…), các hoạt động kinh tế - xã hội, từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến việc làm, thu nhập sẽ chịu tác động ngay lập tức. Sự suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay của một số ngành công nghiệp của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ… hay của một số địa phương là những “trung tâm công nghiệp” đã cho thấy rõ điều này.

Dẫn chứng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất của cả nước (riêng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh và Bắc Giang trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước) đã có tăng trưởng giảm gần 11,4% trong quý I và tiếp tục giảm hơn 13,8% trong quý II/2023, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cũng cần tính tới các ngành công nghiệp chế biến cho giá trị gia tăng cao hơn, có tính tự chủ hơn, không thể để phụ thuộc quá lớn vào một ngành, hay một lĩnh vực, lại từ những doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ cao, khó chuyển giao, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng

“Công nghiệp chế biến trong nông nghiệp tạo ra xuất siêu rất lớn, kể cả công nghiệp chế biến gỗ cũng tạo ra xuất siêu rất lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao, tức là những ngành mà nhiều khi doanh nghiệp nhỏ và vừa họ làm nhưng tạo giá trị gia tăng rất cao. Nó dựa trên tay nghề, dựa trên lao động có tay nghề cao, giá trị gia tăng rất cao. Đấy chính là những yếu tố thể hiện chất lượng của tăng trưởng XNK, chứ không phải là cứ tổng quy mô càng lớn thì là càng tốt - mặc dầu điều đó ít nhiều phản ánh sự tăng trưởng của nền kinh tế, nó phản ánh sự hội nhập của nền kinh tế, nhưng hiệu quả, chất lượng và sự bền vững thì lại không hẳn...”, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tới việc phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất. Theo đó, cần phát huy các lợi thế sẵn có của Việt Nam để phát triển công nghiệp bền vững. Cụ thể, để công nghiệp hoá thành công, cần kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp, phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.

Phát huy nội lực, tranh thủ các tiềm lực của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng nhanh và các tiêu chí xanh, bền vững đang ngày càng được các nền kinh tế đặt ra mạnh mẽ, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần đẩy mạnh khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên hiện có để tạo ra nguyên liệu cho sản xuất, để xây dựng và tạo ra các ngành công nghiệp hỗ trợ/phụ trợ, vừa giảm phụ thuộc nhập khẩu, tăng nguồn thu; tránh khả năng sẽ không cần hoặc không còn được sử dụng trong tương lai, trong khi hiện nay nội tại của nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn cả về tiềm lực, vốn và những nguyên liệu này.

Thực tế là tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, về mức thấp nhất trong suốt hơn mười năm trở lại đây. Trước các tác động nhiều chiều, công nghiệp chế biến, chế tạo đã không còn giữ được vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Với các khuyến nghị của chuyên gia, hi vọng cơ quan quản lý sẽ lựa chọn ra được trọng tâm, trọng điểm để phát triển công nghiệp; để công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự trở thành “then chốt”, tiếp tục là lực đẩy quan trọng trong mở rộng sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh nhiều tác động từ bên ngoài cũng như nội tại của nền kinh tế.

Bài viết cùng loạt bài: "Công nghiệp giảm sâu: Nội lực nào hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 29 của Trung ương?"

Bài 1: Công nghiệp giảm sâu: Nguyên nhân do đâu?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công nghiệp giảm sâu: Nguyên nhân do đâu?
Công nghiệp giảm sâu: Nguyên nhân do đâu?

VOV.VN - Trong các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng GDP thấp, hoạt động của đại bộ phận doanh nghiệp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh phải kể đến sự suy giảm đáng kể của các ngành công nghiệp.

Công nghiệp giảm sâu: Nguyên nhân do đâu?

Công nghiệp giảm sâu: Nguyên nhân do đâu?

VOV.VN - Trong các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng GDP thấp, hoạt động của đại bộ phận doanh nghiệp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh phải kể đến sự suy giảm đáng kể của các ngành công nghiệp.

Công nghiệp giảm sâu: Cách nào thúc tăng trưởng?
Công nghiệp giảm sâu: Cách nào thúc tăng trưởng?

VOV.VN - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu thực trạng và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất cũng như tăng trưởng công nghiệp trong các quý tiếp theo.

Công nghiệp giảm sâu: Cách nào thúc tăng trưởng?

Công nghiệp giảm sâu: Cách nào thúc tăng trưởng?

VOV.VN - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu thực trạng và đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất cũng như tăng trưởng công nghiệp trong các quý tiếp theo.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả
Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả

VOV.VN - Đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn nhân lực và nguồn vốn là những đòi hỏi cấp thiết cho công nghiệp chế biến, chế tạo để phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả

Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả

VOV.VN - Đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn nhân lực và nguồn vốn là những đòi hỏi cấp thiết cho công nghiệp chế biến, chế tạo để phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.