Xăng sinh học ế vì doanh nghiệp và người dân chê
(VOV) - Nhà nước vẫn chưa ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhiên liệu sinh học nói chung và xăng sinh học nói riêng.
Sau gần 5 năm triển khai, “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 177) vẫn dừng ở việc bán thí điểm.
Cứ nhập khẩu vẫn hơn…
Mặc dù hiện nay đã có 6 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu được xây dựng xong, bắt đầu đi vào hoạt động và sản phẩm cung cấp cho thị trường, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy trên vẫn rất hạn chế so với quy mô và công suất đầu tư.
Người tiêu dùng vẫn dè dặt khi sử dụng xăng sinh học. |
Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Đáng lưu ý là công bố của Bộ Công thương về thực tế, đến nay mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tham gia triển khai kinh doanh xăng E5 (loại xăng được phối trộn 5% ethanol với 95% xăng thông thường) là PV Oil, Petec và Saigon-Petro (các doanh nghiệp này đều là đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam – nơi có các nhà máy sản xuất ethnol) với quy mô nhỏ.
“Vướng mắc lớn nhất là do nhận thức của người tiêu dùng về xăng sinh học còn hạn chế, nhưng căn bản vẫn là do chính các cơ sở kinh doanh xăng dầu chưa mặn mà với việc cung cấp loại xăng này ra thị trường, có thể là do ngại đầu tư thêm cho các việc kho bãi, pha chế rồi các trạm xăng,cây xăng. Mặt khác, tâm lý của doanh nghiệp là dù sao thiếu thì đi nhập khẩu vẫn còn hay hơn là thêm những việc nữa phải làm” - Ông Lê Dương Quang - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Thiếu một chính sách đồng bộ
Việc sản xuất và kinh doanh NLSH tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, giá thành sản xuất còn cao. Mặt khác, người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin về loại nhiên liệu mới này nên còn phát sinh tâm lý dè dặt, khi sử dụng cho các phương tiện của mình.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu còn đang gặp rất nhiều khó khăn do giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu trên thế giới liên tục biến động tăng. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm NLSH sẽ làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất, phân phối NLSH chưa có mạng lưới phân NLSH ổn định, quy mô kinh doanh nhỏ nên các chi phí liên quan đến sản xuất và kinh doanh xăng E5 đều lớn.
Đặc biệt, nhà nước vẫn chưa ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho NLSH nói chung và xăng sinh học nói riêng. Cho đến nay, ngoài việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho NLSH thì các mục tiêu khác của Đề án 177 đặt ra triển khai còn rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu mà Chính phủ đề ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Võ Tuấn Nhân cho rằng, lợi ích thì đã rõ ràng, nỗ lực của doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy, nhưng bất cập là chính sách chưa đồng bộ.
“Chính sách cơ chế chưa đồng bộ để triển khai đề án này. Cần nghiên cứu chính sách có thể là thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, hay có thể là sửa đổi ngay Nghị định 84 về quản lý và kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, các cây xăng chỉ tiêu thụ làm tổng đại lý cho một đầu mối, trong khi NLSH đi vào như thế nào, vấn đề tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng NLSH cho người tiêu dùng ra sao, giá sản phẩm chưa rẻ hơn, chưa có sự hỗ trợ nên chưa đi vào cuộc sống” - Ông Võ Tuấn Nhân chỉ rõ.
Có nên bắt buộc sử dụng NLSH?
Dưới góc độ nhà đầu tư, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng, để thực hiện thành công Đề án phát triển NLSH của Chính phủ cần triển khai phát triển đồng bộ từ nhà máy sản xuất đến hệ thống phân phối và nguồn nguyên liệu. Bộ Công thương - cơ quan quản lý nhà nước cho biết, đang xây dựng một dự thảo về lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia độc lập, PGS. TS Đỗ Huy Định - nguyên thành viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho rằng, để xăng sinh học đến được với người tiêu dùng, phải gắn chặt với hệ thống phân phối xăng dầu hiện có với hệ thống của hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu khổng lồ của Petrolimex. Việc tự sản xuất rồi lại đầu tư hệ thống bán lẻ như hiện nay chỉ tăng thêm lãng phí và không cho kết quả mong muốn.
“Nếu chỉ một mình Petro Việt Nam tiến hành cung cấp xăng sinh học sẽ rất tốn kém và không hiệu quả. Nếu có sự vào cuộc của Petrolimex cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước thì xăng ethanol chắc chắn sẽ được lưu thông nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc cung cấp nguồn xăng sinh học phải được thực hiện thuận lợi hơn” – PGS. TS Đỗ Huy Định nhận định.
Chính sách rõ ràng và phối hợp thực hiện giữa các bộ ngành liên quan; ở giai đoạn đầu, ưu đãi về giá; đồng thời coi trọng công tác truyền thông “sử dụng xăng sinh học lợi ích hơn đáng kể so với xăng thông thường” là những kinh nghiệm thành công của Thái Lan trong việc phát triển NLSH đáng để Việt Nam nghiên cứu học hỏi.
Thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc vào bên ngoài, khi còn nhập khẩu tới hơn 70%. Không chỉ lãng phí về tiền bạc, mà sự phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới thời gian qua cũng đã tác động rất lớn tới chính sách vĩ mô, nền kinh tế, doanh nghiệp và từng người dân./.