Xanh hóa dệt may: Nền tảng cho sự phát triển bền vững
VOV.VN - Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 48 tỷ USD. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các thị trường quốc tế.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới nhưng xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD.
Là doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững từ nhiều năm trước, Tổng Công ty May 10 đã xây dựng lộ trình để ứng dụng công nghệ, chuyển đổi năng lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu quốc tế....
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, xu thế “xanh hóa” đang trở nên tất yếu đối với tất cả các khâu cũng như các doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may.
"Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng nhà máy trên 3 tiêu chí lớn. Tiêu chí thứ nhất là môi trường sản xuất xanh, chúng tôi cố gắng xây dựng môi trường sản xuất mà các tòa nhà đều được chứng chỉ tòa nhà xanh theo tiêu chuẩn của Mỹ. Thứ hai là chúng tôi muốn sản xuất thân thiện, về nguyên liệu đầu vào được sử dụng bằng những nguyên liệu có thể tái chế hoặc những nguyên liệu rất thân thiện. Điểm thứ ba, chúng tôi tập trung vào môi trường xanh, chúng tôi tập trung rất nhiều vào chuyển đổi, đặc biệt là nguyên nhiên liệu đầu vào..."- ông Thân Đức Việt cho biết thêm.
Bối cảnh hiện nay là cơ hội lớn mở ra cho các doanh nghiệp dệt may trong việc tăng giá trị các đơn hàng xuất khẩu. Đặc biệt, mục tiêu “xanh hoá” ngành dệt may cũng được đề cập trong Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Tuy vậy, để thực hiện Chiến lược này, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viên Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp, phải xây dựng, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận đối với công nghệ mới, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất các nguồn nguyên liệu mà Việt Nam còn đang phải nhập khẩu...
"Các doanh nghiệp tiếp cận với những nguồn năng lượng xanh sạch theo đúng yêu cầu cam kết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự đàm phán, trao đổi đối tác từ đó xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn hoặc quy định có liên quan hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế. Cơ quan nhà nước phải đóng vai trò vô cùng quan trọng cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp cận đối với tiêu chí về xanh hóa... Chúng ta phải truy xuất để cung cấp thông tin khi các đối tác quốc tế yêu cầu đối với toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm."- TS. Nguyễn Văn Hội nói.
Theo các chuyên gia, đầu tư cho phát triển bền vững là bài toán khó nhưng nếu kiên định và chuyển đổi sớm, doanh nghiệp dệt may sẽ có lợi trong kinh doanh, có được đơn hàng xuất khẩu giá trị lớn.