Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến về thiết kế vi mạch bán dẫn
VOV.VN - Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan thành phố khẩn trương xây dựng “Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố” và xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai xây dựng “Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố” và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành điểm đến về thiết kế vi mạch bán dẫn.
Đà Nẵng hiện có khoảng 250 DN đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị linh kiện điện tử với gần 10.500 lao động. Năm 2022, kinh tế số của thành phố Đà Nẵng gồm kinh tế ICT, kinh tế nền tảng, internet và kinh tế trong ngành, lĩnh vực khác đóng góp 19,76% GRDP của thành phố.
Ông Nguyễn Bảo Anh, Trưởng văn phòng Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng vừa là quản trị viên trang cộng đồng kỹ sư với hơn 15.000 thành viên trong nước và thế giới, nên hiểu rõ về đội ngũ kỹ sư công nghệ vi mạch, bán dẫn. Theo ông Nguyễn Bảo Anh, nhiều kỹ sư giỏi ở nước ngoài mong muốn về Việt Nam đầu tư làm ăn. Họ sẵn sàng hợp tác với các trường Đại học, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, giảng dạy sinh viên về lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
“Nhiều người muốn về Việt Nam đầu tư. Thành phố Đà Nẵng cần có chính sách thu hút kỹ sư trên thế giới về. Ngoài các công ty, tập đoàn lớn có tiềm lực, uy tín để tạo ra sự lan tỏa, thành phố cũng cần tạo điều kiện để công ty vừa và nhỏ về đầu tư, bởi họ có đội ngũ kỹ sư rất giỏi để chia sẻ kinh nghiệm. Nếu họ về được, thành phố rất có lợi để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố đang hướng đến”, ông Bảo Anh tin tưởng.
Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin hiện nay rất lớn và rất quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số. Các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã sớm đón đầu thông qua các khoa đào tạo chuyên ngành vi mạch, điện tử. Qua thống kê, chỉ tiêu tuyển sinh các chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch của các trường Đại học toàn thành phố khoảng 900 sinh viên; số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 750 sinh viên.
PGS.TS. Phạm Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, trường đang phối hợp với các DN, chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng các khóa đào tạo ngắn hạn, dự kiến cung cấp 150-200 Kỹ sư hằng năm. Năm 2024, nhà trường dự kiến mở mới chuyên ngành Vi điện tử đào tạo Kỹ sư “Thiết kế vi mạch”, sẽ cung cấp nhân lực chuyên sâu, có thể thích ứng nhanh sau khi được tuyển dụng.
“Giai đoạn từ đây đến năm 2030, nhà trường sẽ tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên chuyên sâu lĩnh vực này, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất. Nhà trường dự kiến trong năm nay sẽ mở mới chuyên ngành đào tạo Vi điện tử, thiết kế vi mạch mang tính chuyên sâu hơn. Mặt khác, bổ sung thêm một số môn học, mời các chuyên gia, DN đến từ các lĩnh vực thiết kế vi mạch để làm thế nào khi ra trường người học có thể tiếp cận được”, PGS.TS. Phạm Hồng Hải thông tin.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á cho rằng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn. Chính quyền địa phương nên có chính sách khuyến khích phát triển công nghệ. Nơi đây có hệ thống các trường đào tạo nhân lực chuyên ngành công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản, hệ sinh thái khởi nghiệp có thể ươm tạo các start-up trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Ông Trịnh Thanh Lâm cho biết thêm, Synopsys đang có các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực cho giảng viên các trường Đại học và sẵn sàng hợp tác với thành phố Đà Nẵng.
“Tháng 11 tới, Tập đoàn Synopsys sẽ đón đoàn lãnh đạo của Đà Nẵng sang Mỹ làm việc bàn kế hoạch hợp tác. Chúng tôi sẽ giới thiệu các bên thứ 3 chuyên về đào tạo nguồn nhân lực đến làm việc với Đà Nẵng và các công ty này chịu trách nhiệm đầu ra. Khi Synopsys là đối tác, khách hàng là các công ty lớn trên thế giới về lĩnh vực này, Synopsys sẽ kết nối để họ làm việc với Đà Nẵng”, ông Lâm cho hay.
Nghị quyết số 43 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển. Trong đó có lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố; đạt tối thiểu 8.950 DN công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực phát triển mới. Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan thành phố khẩn trương xây dựng “Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn thành phố” và xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân vi mạch bán dẫn. Thành phố sẽ bổ sung thêm lĩnh vực vi mạch bán dẫn được tiếp cận vay vốn Quỹ đầu tư thành phố để phát triển. Ông Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế về công nghiệp vi mạch bán dẫn, sớm đưa Đà Nẵng trở thành "điểm đến" hàng đầu về thiết kế vi mạch.
“Lãnh đạo thành phố đang nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút chuyên gia có kinh nghiệm về Đà Nẵng làm việc, chuyển giao tri thức, kinh nghiệm, xây dựng được hệ sinh thái về mặt trí tuệ cho thành phố. Quyết tâm khát vọng của Đà Nẵng đưa ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới và Đà Nẵng hy vọng sẽ trở thành trung tâm lan tỏa ngành công nghiệp này”, ông Nguyễn Văn Quảng khẳng định.