Xây dựng đường hầm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)

Dự án hoàn thành sẽ rút ngắn cự ly giữa 2 thành phố Vĩnh Yên và Thái Nguyên; góp phần thúc đẩy du lịch giữa 2 tỉnh, kết nối các điểm du lịch và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử

Ngày 7/3, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hai tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị bàn phương án xây dựng đường hầm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) - Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án hầm đường bộ qua núi Tam Đảo.

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần tư vấn Sông Đà và phía nhà đầu tư gồm liên doanh giữa 3 đơn vị là Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Tổng Công ty Sông Đà và Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ đã đưa ra 5 phương án xây dựng đường hầm này.

Theo đó, các thông số của phương án được đưa ra gồm: Chiều dài hầm là 1,57km; chiều dài đường làm mới là 25km (phía tỉnh Vĩnh Phúc là 3,5km và Thái Nguyên là 21,5km); chiều dài đường cải tạo để nối tuyến vào là 4,7km (Vĩnh Phúc 4,2km và Thái Nguyên 0,5km); tổng giá trị đầu tư là 977 tỷ đồng. Dự án sẽ có điểm đầu là Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và điểm cuối là Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) cắt qua tỉnh lộ 261 đường huyện Đại Từ đi huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Theo thiết kế, đường tỉnh lộ sẽ là đường cấp IV miền núi, tốc độ 40 km/giờ.

Tại hội nghị các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến phân tích về ý nghĩa, mục đích, quy mô và tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội đối với hai tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc và mối liên hệ vùng của hầm đường bộ qua Tam Đảo. Các đại biểu cho rằng, dự án khi hoàn thành sẽ rút ngắn cự ly giữa 2 thành phố Vĩnh Yên và Thái Nguyên xuống khoảng 30km. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch giữa 2 tỉnh, kết nối các điểm du lịch và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử gồm: Bích Động - Cúc Phương - Thủ đô Hà Nội - Ba Vì - Đền Hùng - Đại Lải - Tam Đảo - Hồ Núi Cốc - Chiến khu ATK Việt Bắc - hồ Ba Bể. Đồng thời, khi tuyến đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc xuyên Á được hoàn thành thì tour du lịch này sẽ là điểm nhấn thu hút du khách quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá cao tinh thần quyết tâm liên kết vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh và yêu cầu, phía chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế phải xác định rõ việc xây dựng đường hầm qua Tam Đảo cần đảm bảo các yếu tố mỹ thuật, kỹ thuật và trình độ công nghệ hiện đại. Bộ Xây dựng cũng đề nghị đến tháng 5/2009, phía đơn vị tư vấn và nhà đầu tư sẽ đưa ra các phương án khả thi để 2 tỉnh nghiên cứu, sau đó trình Chính phủ xem xét, phê duyệt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên