Xây dựng TP HCM trở thành “Thành phố đáng sống“
VOV.VN - Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu cả nước trong nhiều phong trào, lĩnh vực và được mệnh danh là “Thành phố nghĩa tình”.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã cam kết trước các doanh nghiệp và người dân thành phố rằng: “Thành phố cam kết về những vướng mắc của thể chế chính sách; vướng về luật, vướng về nghị định của chính phủ, các bộ ban, ngành, thành phố sẽ tiếp thu và kiên trì thuyết phục với các bộ, ban, ngành để ủng hộ và tạo điều kiện để các thành phố phát triển. Là một thành phố đầu tàu kinh tế, là đô thị đặc biệt chúng ta cần có cơ chế để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, có chất lượng hơn”.
TP. HCM đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - khoa học công nghệ của khu vực.
GDP hiện chiếm hơn 20% cả nước, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5.800 USD/người năm 2015. Thành phố đi đầu cả nước trong nhiều phong trào, lĩnh vực và được mệnh danh là “Thành phố nghĩa tình”.
Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu để trở thành trung tâm kinh tế-tài chính-khoa học công nghệ của khu vực.Thế nhưng, so với các nước trong khu vực thì thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thua kém về mọi mặt, nhất là kinh tế. Vậy làm thế nào để xây dựng thành phố trở thành nơi đáng sống và ngang tầm với các nước trong khu vực?.
Theo các chuyên gia kinh tế, thì với khoảng thời gian hơn 40 năm, nhiều thành phố lớn của các nước trong khu vực vốn lạc hậu so với Sài Gòn trước đây, nay đã phát triển vượt thành phố Hồ Chí Minh một khoảng cách rất xa. Chỉ tính riêng về thu nhập bình quân đầu người của thành phố hiện nay khoảng 5.800 USD/người, nhưng thu nhập bình quân đầu người ở thành phố Manila của Philippines năm 2015 đã là 6.800 USD/người, ở Băng Cốc của Thái Lan trên 13.600 USD/người, thành phố Kuala Lumpur của Malaysia là 20.000 USD/người. Ngoài ra, thành phố đang phải đương đầu với kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng, tệ nạn xã hội,…đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Làm thế nào để phát triển thành phố ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực là điều mà lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đang trăn trở và cũng là khát vọng của người dân nơi đây. Bởi, mục tiêu mà thành phố hướng đến trong tương lai là trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, tài chính, khoa học công nghệ của cả khu vực. Trong khi đó, thành phố lại đang ngổn ngang với bao thứ cần phải thay đổi, phải quy hoạch, đột phá, sáng tạo để vươn lên sau một chặng đường dài hơn 40 năm.
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh từng là địa phương thực hiện thí điểm thành công trong nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Chính vì vậy Trung ương hãy mạnh dạn trao quyền cho thành phố.
Muốn phát triển kinh tế, đội ngũ doanh nhân là cốt lõi. Tuy nhiên, hơn 200 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay luôn đang trong tình trạng thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và quản trị doanh nghiệp vẫn còn theo lối cũ thì khó có sự đột phá. Chính vì vậy, thành phố cần phải xây dựng được hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ thực sự mạnh hướng về chất lượng, tuyệt đối không khuyến khích về số lượng nhằm tạo được lợi ích thực tế cho thành phố. Từ đó, tạo được nhiều công ăn việc làm bền vững cho người lao động; sản xuất ra những sản phẩm giá trị, xây dựng thành công những thương hiệu Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Cùng với quy hoạch đô thị khoa học, hiện đại, phát triển kinh tế bền vững, theo nhiều chuyên gia thì thành phố phải xây dựng được một nền văn hóa đặc sắc riêng của vùng đất phương Nam.
Điều quan trọng là phải khởi động và khởi động liên tục để làm chuyển động, thay đổi cả một hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền từ trên xuống vốn rập khuôn và máy móc. Lãnh đạo, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đang bắt tay thực hiện điều đó, giải quyết từ những việc nhỏ nhất liên quan đến đời sống, sự an toàn và cả sinh mệnh của người dân cho đến thực hiện những cải cách mang tầm chiến lược của cả vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
Hãy tích cực tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng thành phố. Sự cầu thị và hành động cùng với những cam kết về sự thay đổi để phát triển thành phố nhanh hơn, mạnh hơn của lãnh đạo và các cấp chính quyền thành phố đã củng cố niềm tin cho người dân về việc tạo dựng một thành phố đáng sống, một đô thị có vị trí quan trọng của khu vực trong tương lai gần.
Quan niệm về thành phố đáng sống của nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh:
“Thành phố đáng sống phải có nền kinh tế phát triển, có môi trường tốt và người dân thân thiện”.
“Muốn thành phố trở thành nơi đáng sống thì phát triển đô thị, giao thông phải ưu tiên đặt lên hàng đầu”.
“Một thành phố đáng sống thì mọi người phải ý thức về vấn đề giao thông, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm”.
“Lãnh đạo thành phố đó phải cố gắng đưa ra chính sách phù hợp nhất để tạo sự bình đẳng từng giai cấp và ở mỗi con người”.