Xe quá khổ, quá tải làm môi trường kinh doanh không bình đẳng
VOV.VN -Các doanh nghiệp và hiệp hội vận tải ủng hộ siết chặt đăng kí, đăng kiểm xe, xử lý nghiêm vi phạm về vượt tải trọng.
Chiều 6/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức “Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách quản lý hoạt động vận tải đường bộ”.
Tại hội nghị đối thoại, các doanh nghiệp và hiệp hội vận tải ủng hộ việc siết chặt đăng kí, đăng kiểm xe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vượt tải trọng. Về điều chỉnh thiết kế của xe sơ-mi-rơ-moóc, đăng kiểm phương tiện và xe quá khổ, quá tải, các doanh nghiệp cho rằng sẽ gây tốn kém vì cả nước có 7000 xe phải phải điều chỉnh thiết kế giảm tải trục.
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam, nêu ý kiến: “Kiểm soát trọng tải xe là một khó khăn nhưng việc đó phải làm. Hiệp hội chúng tôi vô cùng ủng hộ chủ trương này của Chính phủ và của Bộ giao thông vận tải. Phải thực hiện nghiêm túc, thực hiện đều đặn chứ không phải chỉ trên một số tuyến trọng điểm để bảo đảm sự công bằng. Chứ nếu như chỉ thực hiện ở một vài điểm, một vài thời gian và để xảy ra tình trạng tránh trạm kiểm tra và những hiện tượng sang tải, lẩn tránh thì cái đó sẽ tạo ra một mặt bằng không bình đẳng”.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc điều chỉnh sẽ gây tốn kém cho các doanh nghiệp vận tải, mỗi xe điều chỉnh mất khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên, khi so sánh thực hiện các dự án đường bộ, đường cao tốc có số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng thì việc điều chỉnh này cần thiết để đảm bảo an toàn, tuổi thọ của đường giao thông.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, việc lưu hành xe quá khổ, quá tải trong thời gian dài đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường kinh doanh vận tải hàng hóa, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong ngành vận tải: “Hơn 10 năm nay, công tác kiểm soát tải trọng xe thực hiện không nghiêm, tạo nên môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải. Mạnh ai người đấy làm”.
Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số Nghị định để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp và lái xe giảm bớt khó khăn, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, các nhân, đơn vị cố tình không chấp hành vi phạm về vượt tải trọng ở mức nghiêm trọng. Trong hơn 7 tháng năm của năm nay đã kiểm tra lập biên bản gần 39 nghìn trường hợp vi phạm, xử lý hạ tải với hơn 11 nghìn 400 phương tiện. Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian tới sẽ ký quy chế phối hợp cùng các tỉnh, thành trên toàn quốc về kiểm soát tải trọng xe, xử lý xe quá khổ, quá tải./.