Xử lý 12 dự án yếu kém – Nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành
VOV.VN - Nếu các dự án yếu kém không thể hoạt động hiệu quả thì phải có phương án xử lý như bán hoặc cho phá sản.
Sáng 21/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc về xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, hiện Bộ hiện có 2 nhiệm vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành. Đó là quyết định chỉ định thầu đơn vị tư vấn xác định giá trị dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên, và hoàn thành báo cáo thẩm định, xác định giá trị của dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Về phía các tập đoàn, tổng công ty cũng vẫn còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Trong đó đáng chú ý là, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa hoàn thành là quyết toán dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học miền Trung. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chưa xử lý dứt điểm vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC dự án; Chưa hoàn thành báo cáo quyết toán dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; Chưa xử lý xong các vướng mắc của hợp đồng EPC, làm rõ trách nhiệm đơn vị, cá nhân để chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư dự án, thay đổi một số thiết bị.
Tổng Công ty Thép Việt Nam và các doanh nghiệp chưa giải quyết xong các tồn tại, vướng mắc với Tổng thầu MCC, làm rõ trách nhiệm giải quyết tranh chấp của các bên của dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên…
Theo Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thừa, qua giải trình của các doanh nghiệp cho thấy, còn nhiều sai phạm, tồn tại liên quan hợp đồng, quyết toán dự án. Đặc biệt là một số vấn đề liên quan pháp lý với nhà thầu nước ngoài. Có những nhiệm vụ chậm trễ sẽ ảnh hưởng tiến độ xử lý cả 12 dự án.
Ông Thừa đề nghị, các bộ ngành tập trung quan tâm phối hợp xử lý và làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm và xử lý tập thể, cá nhân liên quan. Bởi thực tế hiện nay, nhiều dự án thua lỗ gây bức xúc dư luận. Điển hình như một số nhà máy Ethanol đầu tư xong rồi “đắp chiếu”, khi sản xuất thua lỗ, không có vùng nguyên liệu, không có đầu ra. Có nhà máy hoạt động nhưng quản trị không chuyên nghiệp, nợ nần và thua lỗ liên tục. Đau lòng nhất là có những dự án nguy cơ phải…bán sắt vụn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng nhận định, mặc dù các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện quyết liệt và nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, nhưng thực tế có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong 12 dự án yếu kém cần xử lý thì có tới 6 dự án ký hợp đồng EPC. Trong quá trình thực hiện đã có điều chỉnh về tổng mức đầu tư, thiết bị từng giai đoạn… nhưng do làm không chặt chẽ, thiếu thủ tục, nên khi tổng quyết toán không làm được, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xử lý. Đến nay, có dự án đã âm cả vốn, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu, chưa nói đến nợ phải trả…
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong xử lý dứt điểm những tồn tại tại các dự án thua lỗ nghìn tỷ là không gia hạn thêm thời gian cho các nhiệm vụ đã giao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng không quyết toán xong hợp đồng EPC thì không thể triển khai các công việc tiếp theo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chẳng hạn như bảo hộ sản xuất trong nước, xử lý về thuế cho nhà máy Đạm Ninh Bình… để các nhà máy hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nếu không thể hoạt động hiệu quả thì phải có phương án xử lý như bán hoặc cho phá sản.
"Muốn thực hiện được các phương án này thì cũng phải hoàn thành quyết toán có kiểm toán," ông Mai Tiến Dũng lưu ý.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị, Bộ Công Thương cần đưa ra các kế hoạch chi tiết, cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục cho các dự án. Các tập đoàn, tổng công ty và các bộ ngành cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị trong thời gian tới./. Bộ Công Thương nan giải “cứu” các dự án thua lỗ