Xử lý nghiêm các DNNN thua lỗ kéo dài

Đây là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đối với ngành Công Thương năm 2012.

Ngày 3/1/2012, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2012. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Không được chủ quan

Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực cả trong và ngoài nước, nhưng ngành Công Thương đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, toàn ngành tăng trưởng 12,7% so với năm 2010. Trong đó, các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, xuất khẩu đạt kết quả cao, nhập siêu đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu, thị trường hàng hoá cơ bản đảm bảo, không xảy ra thiếu và sốt hàng dẫn đến tăng giá đột biến.  

Kế thừa những thành quả đạt được năm 2011, sang năm 2012, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13% và giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5% so với năm 2011. Trong đó, xuất khẩu tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,8 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 121,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2011, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện các đột phá lớn trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 -2020.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những thành quả mà ngành Công Thương đạt được năm qua, góp phần duy trì tăng trưởng chung cả nước GDP đạt 5,89%, một chỉ số tăng khá cao trên thế giới.

Thủ tướng cho rằng, năm qua, ngành Công Thương đã góp phần đảm bảo giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhờ tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát tốt hơn nhập khẩu các mặt hàng chưa phải thiết yếu, sản xuất nội địa thay thế được nhiều mặt hàng nhập khẩu. Do đó, giảm mạnh được nhập siêu (nhập siêu chỉ 10%, mức thấp nhất từ trước đến nay), góp phần quan trọng vào ổn định tỷ giá.

Thủ tướng cũng nhắc nhở rằng, những thành quả năm qua khá cao, tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, ngành Công Thương không được chủ quan thoả mãn.

Thủ tướng chỉ đạo, năm 2012, ngành Công Thương cần mở rộng thị trường đang có và phát triển thị trường mới trong và ngoài nước thông qua các hiệp định song phương, đa phương, khu vực,… đặc biệt là mở rộng thị trường trong nước, đưa vào các hình thức thương mại văn minh, hiện đại hơn.

Đồng thời, cần tận dụng những lợi thế của Việt Nam về những mặt hàng xuất khẩu đứng thứ bậc cao của thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, cao su, thuỷ sản,… Và, phải tận dụng thế mạnh về sự ổn định chính trị, lòng tin, ý chí của nhân dân tin vào sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước. 

Về một số điểm nhấn, Thủ tướng chỉ đạo, ngành Công Thương cần chú ý phát triển công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị cho sản phẩm sản xuất; tận dụng thị trường nội địa với sức mua ngày càng tăng của gần 90 triệu dân.

7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương năm 2012 là:

1. Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với mục tiêu đưa lạm phát xuống 9% để giữ vững việc góp phần ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát.

2. Cùng cả nước tháo gỡ khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất công nghiệp gắn liền với chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, việc tái cơ cấu phải thực hiện từ chiến lược, quy hoạch vĩ mô sau đó mới đến từng địa phương, ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp thực hiện. Trước mắt thực hiện nay việc rà soát lại cơ chế chính sách để điều chỉnh cho phù hợp; Từng doanh nghiệp, ngành hàng phải nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hoá; Cần phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hàng tiêu dùng; Phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, phân phối.

3. Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế về điện, than, dầu khí, xăng dầu,…Trong đó, riêng ngành điện phải thực hiện theo cơ chế thị trường, đảm bảo giá thành hợp lý, người nghèo và đối tượng chính sách sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

4. Tập trung chỉ đạo tốt công tác xuất nhập khẩu năm 2012, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, kiểm soát nhập khẩu.

5. Làm tốt chức năng quản lý thị trường, kiểm soát và bình ổn giá cả.

6. Thực hiện chức năng của Bộ Công Thương về chủ sở hữu đối với Doanh nghiệp nhà nước. Cần thực hiện kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động; Phải thực hiện cổ phần hoá, khắc phục tình trạng thua lỗ kéo dài của doanh nghiệp, tập đoàn. Cần xử lý nghiêm, kiểm điểm trách nhiệm rõ ràng các doanh nghiệp để thua lỗ kéo dài. Đồng thời rà soát, sắp xếp lại hoạt động đầu tư ngoài ngành.

7. Trong vấn đề hội nhập, cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt chức năng của mình trong việc đấu tranh liên tục với những hàng rào đối với thương mại Việt Nam. Tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác lợi thế trong WTO, FTA,…

Cần chú ý công tác cải cách hành chính, tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên