Xử lý nợ xấu: Không có ưu ái, đặc quyền dành cho ngân hàng
Thứ Năm, 07:01, 15/06/2017
VOV.VN - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không sử dụng ngân sách và cũng không có ưu ái, đặc quyền dành cho các ngân hàng trong xử lý nợ xấu.
Giải trình với các đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định, không sử dụng ngân sách và cũng không có bất kỳ ưu ái, đặc quyền nào dành cho các ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng
Phải trích lập dự phòng rủi ro
Theo ông Hưng, khi xử lý nợ xấu bằng tài sản đảm bảo, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, phải dùng lợi nhuận để xử lý nên chắc chắn ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tăng cường trích lập sẽ làm các ngân hàng quốc doanh giảm cổ tức nộp cho ngân sách. Điều đó chứng tỏ ngân sách đã gián tiếp hỗ trợ nhất định cho tiến trình xử lý nợ xấu.
Ông Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu cũng góp phần làm giảm chi phí tài chính cho các tổ chức tín dụng, qua đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế, đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Tại thời điểm tháng 9/2012 khi báo cáo Quốc hội thì tỷ lệ nợ xấu ước tính một cách thận trọng là chiếm 17,21% tổng dư nợ và cho vay nền kinh tế. Tính đến 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng hiện nay là trên 150.000 tỷ, chiếm 2,52% tổng dư nợ.
Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ: Tổng nợ xấu mà công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ, chiếm 5,8% tổng dư nợ.
Nếu tính cả những khoản đến hạn thì tổng nợ xấu và dư nợ hiện nay là 10,08% dư nợ và tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế.
Trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC thì nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ.
Do đâu nợ xấu "phình to"?
Theo giải thích của người đứng đầu ngân hàng trung ương, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới nợ xấu liên tục gia tăng trong những năm gần đây.
Về nguyên nhân khách quan, thời gian qua sự bất ổn chính trị và kinh tế trên thế giới cũng như tác động của chu kỳ kinh tế và khủng hoảng trên thị trường tài chính tiền tệ và kinh tế quốc tế tác động rất mạnh và gây tiềm ẩn, rủi ro rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng còn khó khăn và chất lượng kinh tế cũng tăng trưởng chưa cao, nợ công tăng nhanh.
Một yếu tố rất quan trọng ở thị trường bất động sản có một giai đoạn rất dài là trầm lắng. Các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào vốn vay ngân hàng, hiệu quả sản xuất còn thấp nên khi có biến động từ bên trong và bên ngoài thì đều tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vay vốn, do đó gián tiếp và trực tiếp đều gây ra nợ xấu.
Bên cạnh đó, quy mô hoạt động của nhiều doanh nghiệp còn rất nhỏ và phụ thuộc vào thị trường thế giới. Tình hình thời tiết ở trong nước cũng có giai đoạn như nhiều năm vừa qua rất khó khăn, gây ra tác động là khả năng không trả được nợ của các doanh nghiệp vay vốn. Theo Tổng cục thống kê, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 bình quân mỗi năm có trên 63.000 doanh nghiệp giải thể và phá sản, các yếu tố này cũng làm gia tăng nợ xấu trong nền kinh tế và nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Về nguyên nhân chủ quan, quy trình tín dụng của một số tổ chức chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để cán bộ ngân hàng và khách hàng lợi dụng. Ở một số tổ chức tín dụng, năng lực quản trị rủi ro còn hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa tốt, tính tuân thủ các quy chế chưa cao, các chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ cận tín dụng ngân hàng chưa được quan tâm, cho nên dẫn đến những rủi ro trong việc cho vay.
Thêm vào đó, năng lực tài chính của bản thân các tổ chức tín dụng còn hạn chế, đặc biệt kể cả các ngân hàng thương mại của nhà nước.
VOV.VN - Sáng nay (7/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu và Luật các tổ chức tín dụng.
Trách nhiệm của NHNN trong xử lý nợ xấu đến đâu?
Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, thời gian qua, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan thanh tra giám sát của ngân hàng đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời chuyển và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cũng như trực tiếp NHNN đã chuyển các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây ra tổn thất và nợ xấu cho ngân hàng sang cơ quan điều tra.
Trong 5 năm qua, đã phát hiện và khởi tố điều tra 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng và đã khởi tố bị can khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng. Có nhiều mức án đã được kết án rất nghiêm khắc kể cả án tử hình, chung thân và trên 20 năm tù.
Ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Một mặt xử lý nợ xấu nhưng mặt khác phải ngăn ngừa các nợ xấu phát sinh, phải kiểm soát được ổn định vĩ mô.
Không sử dụng ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng, Thống đốc nêu rõ.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với mức tăng trưởng dư nợ đầu tư nền kinh tế bình quân 16% một năm, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017 - 2022) là 350.000 tỉ đồng. Để duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới sẽ lên tới 640.000 tỉ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm phải xử lý 130.000 tỉ đồng./.
VOV.VN - Sáng nay (7/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu và Luật các tổ chức tín dụng.
VOV.VN - Sáng nay (7/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu và Luật các tổ chức tín dụng.