Xuất hóa đơn điện tử từng lần bán xăng dầu: Giảm gian lận thuế
VOV.VN - Việc xuất hoá đơn điện tử khi bán xăng dầu từng lần cũng như những lần xuất hoá đơn bán lẻ khác, cần coi đó là 1 thói quen và bắt buộc trong quá trình giao dịch, đảm bảo kiểm soát được hàng hoá và ít gian lận về thuế.
Liên quan đến việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) trong kinh doanh xăng dầu, trong Công văn mới nhất (5/12) gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng. Có các giải pháp đồng bộ để các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng, xử lý nghiêm theo quy định trường hợp không thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương, cơ quan quản lý thị trường, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, trong việc thực hiện quy định về HĐĐT và cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới về HĐĐT nói chung và HĐĐT đối với kinh doanh xăng dầu nói riêng, nhằm mục đích thu lợi bất chính, hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, từ đó có giải pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán xăng dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của DN, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu..., đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu NSNN.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định, hiện nay chúng ta đang vướng mắc tư duy, không chỉ người bán xăng dầu mà cả của người mua hàng. Mọi người cần hiểu rằng, việc mua bán hàng hoá bất cứ lúc nào cũng cần phải có hoá đơn. Người bán hàng xuất hoá đơn cho 1 lần mua và mua bao nhiêu cũng là điều bình thường. “Việc xuất hoá đơn xăng dầu từng lần cũng như những lần xuất hoá đơn bán lẻ khác, cần coi đó là 1 thói quen và bắt buộc trong quá trình giao dịch, như vậy sẽ đảm bảo kiểm soát được hàng hoá và ít gian lận về thuế”, bà Cúc bày tỏ.
Theo quy định, cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phải xuất HĐĐT từng lần bán. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, đến nay mới có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM thực hiện việc xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng, với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên cả nước. Các DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu còn lại dù đã thực hiện HĐĐT nhưng chưa thực hiện được việc lập HĐĐT đối với từng lần bán hàng theo quy định.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, thực tế những cột bơm xăng dầu đời mới đều có cổng chờ sẵn để kết nối thông tin của các tổ chức bán hàng. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chuẩn cụ thể của các cột bơm trong nhiều giai đoạn qua, dẫn đến nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn còn những cột bơm xăng dầu đã rất cũ, nhiều cột không có hệ thống kết nối với máy tính. Những hệ thống này muốn thực hiện theo Nghị định 123 cần phải đầu tư thêm.
“Việc tổ chức xuất HĐĐT có sự liên thông của từng lần giao hàng cần phải có sự phối hợp của nhiều Bộ mới đạt được kết quả. Giống như việc tổ chức thanh toán không tiền mặt để hệ thống HĐĐT chạy tự động, còn khi các DN có gửi lên những HĐĐT thông qua từng lô bán hàng theo kênh của mình, vẫn còn sự chênh lệch với những khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề này dứt khoát Tổng Cục thuế cũng phải có hướng dẫn để xử lý những chênh lệch khi làm tròn số thông qua hệ thống tính toán điện tử”, ông Bảo nêu thực tế.
Theo Nghị định 123/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất HĐĐT theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT khi bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân, đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Quy định là vậy, nhưng thực tế, nhiều DN kinh doanh xăng dầu đến thời điểm này cũng chưa trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho việc xuất HĐĐT.
Anh Bùi Xuân Thành, Kế toán trưởng Công ty CP Xăng dầu HFC cho rằng, để đảm bảo cho việc xuất HĐĐT sẽ phải xây dựng lại hạ tầng. Cùng với đó chi phí để xuất HĐĐT cũng rất lớn. Ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, các quy định về hoá đơn điện tử trong lĩnh vực xăng, dầu là phù hợp và đúng đắn, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng giữa ngành xăng dầu nói riêng và toàn xã hội nói chung. Một số ngành đặc thù như bán lẻ xăng dầu, việc xuất hoá đơn trong từng lần bán cũng tốn kém chi phí, khi DN phải kết nối vào bộ xuất hoá đơn và cơ quan thuế, nhưng cũng không đáng kể. DN tuân thủ việc thống kê lượng xăng bán ra, mua vào là cần thiết cho việc điều hành của Nhà nước. Vì khi nào cần xả Quỹ Bình ổn xăng dầu, khi nào cần tăng giảm giá, cơ quan quản lý phải biết DN bán được bao nhiêu từ đó mới tính đúng, tính đủ.
“Xuất HĐĐT và kết nối với cơ quan thuế có làm tăng chi phí ban đầu cho các DN bán lẻ xăng dầu nhưng không đáng , vì bất kể cây xăng nào cũng có máy đo bán và tính thành tiền cho từng lần bán. Việc rất đơn giản là kết nối máy đó với 1 máy POS in ra các HĐĐT như là in ra từ các máy tính tiền trong các cửa hàng kinh doanh bán lẻ hiện nay. Lý do xuất HĐĐT từng lần bán xăng dầu làm tăng thời gian bán hàng, hay làm tăng chi phí bán hàng là không hợp lý”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế phân tích.