Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực đều giảm mạnh

VOV.VN - Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 năm 2015 ước đạt khoảng 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tính đến hết tháng 9 năm 2015, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt khoảng 21,65 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,29 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở các mặt hàng như cà phê (32,2%), cao su (13,7%) và gạo (15,7%).


Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014, giảm rất mạnh ở thị trường lớn nhất là Mỹ (30,05%).

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong 9 tháng qua, thị trường lúa gạo trong nước cũng như xuất khẩu tương đối trầm lắng, giá lúa duy trì ở mức thấp và ít biến động. Giá cao su nguyên liệu và cao su thành phẩm trên thị trường trong nước giảm do chịu tác động giảm giá của cao su thế giới. Giá các mặt hàng thủy sản chủ yếu như cá tra và tôm cũng không mấy khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó thị trường tiêu năm nay luôn nóng và giá hạt điều biến động tăng nhờ giá xuất khẩu và nhu cầu đang tốt.

Cụ thể, xuất khẩu gạo tính đến hết tháng 9, đạt khoảng 4,47 triệu tấn với giá trị 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2014.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với 35,37% thị phần. 8 tháng, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 2,64% về khối lượng và giảm 8,74% về giá trị).

Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh trong 8 tháng qua là thị trường Malaysia tăng 35,75%; Gana tăng 21,8%; Bờ Biển Ngà tăng 77,56%. Các thị trường có sự giảm đột biến trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipines (giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị), Singapore (giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị), và Hong Kong (giảm 29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị).

Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 4,69 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,23% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm đáng kể với mức giảm lần lượt là 11,15% và 12,01%. Xuất khẩu tăng trưởng đáng chú ý ở các thị trường như Thái Lan (tăng 18,94%) và Anh (tăng 18,81%).

Xuất khẩu cà phê trong 9 tháng năm 2015 ước đạt 961 nghìn tấn với tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2.054 USD/tấn, giảm 0,23% so với năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 14,41% và 11,46%.

Khối lượng xuất khẩu cao su 9 tháng đạt 740 nghìn tấn, giá trị đạt 1,06 tỷ USD, tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt 1.451 USD/tấn, giảm 19,56% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy 11 trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015, chiếm 71,85% thị phần. So với cùng kỳ năm 2014, giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng tăng ở thị trường Trung Quốc (9,76%), còn lại đều giảm ở 9 thị trường chính.

Xuất khẩu chè 9 tháng ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 151 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1.710 USD/tấn, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2014. Trong 8 tháng, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 38,15% thị phần – tăng 9,54% về khối lượng và tăng 8,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Nga (tăng 33,45%), các TVQ Arập Thống nhất (gấp gần 3 lần) và Indonesia (tăng 15,59%).

Hạt điều xuất khẩu 9 tháng đạt 245 nghìn tấn trị giá 1,78 tỷ USD, tăng 7,8% về khối lượng và tăng 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 7.271 USD/tấn, tăng 12,48% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 36,29%, 12,56% và 12,32% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (79,7%), Thái Lan (51,38%), Hoa Kỳ (35,33%), Hà Lan (33,67%) và các TVQ Arập Thống nhất (22,01%).

Khối lượng tiêu xuất khẩu 9 tháng đạt 110 nghìn tấn với giá trị 1,04 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu đạt 9.420 USD/tấn, tăng 26,35% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore với 37,89% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (35,27%), Hàn Quốc (53,34%), Tây Ban Nha (27,79%) và Anh (24,23%).

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 9 tháng đạt 4,79 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 – chiếm 67,09% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hong Kong (39,08%), Hoa Kỳ (19,31%), và Đức (9,73%).

Sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khối lượng xuất khẩu trong 9 tháng là 3,27 triệu tấn với giá trị 1,03 tỷ USD, tăng 28,4% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,17% thị phần, tăng 37,1% về khối lượng và tăng 33,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên