Xuất khẩu đồ gỗ phải có thông tin nguồn gốc
Các doanh nghiệp phải cung cấp cho các đối tác những thông tin cơ bản về nguồn gốc, nguyên liệu gỗ nhập khẩu.
Theo ông Tim Dawson, Điều phối viên Flegt (tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại Lâm sản) thuộc Viện Lâm nghiệp châu Âu tại Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vào các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trong thời gian tới phải thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc sản phẩm gỗ thông qua một hệ thống các biện pháp và quy trình mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra, nhằm giảm thiểu rủi ro sử dụng gỗ khai thác bất hợp pháp.
Những thông tin này bao gồm loài, nguồn gốc, số lượng, chi tiết về nhà cung ứng và thông tin về việc tuân thủ luật pháp quốc gia. Dựa vào những thông tin này, các cơ quan chức năng của nước nhập khẩu sẽ phân tích và đánh giá rủi ro dựa trên việc đảm bảo tuân thủ luật áp dụng, thông tin về việc cung ứng gỗ để đảm bảo gỗ có xuất xứ hợp pháp
Ông Chen Hin Keong, Giám đốc Chương trình toàn cầu Traffic (Mạng lưới kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã) cho biết, nếu doanh nghiệp đưa ra chứng chỉ rừng, nhưng không giải trình được nguồn gốc thì cũng không đảm bảo được rằng mình sử dụng nguồn gỗ hợp pháp.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý, nếu mua hàng nguyên liệu gỗ với giá rẻ, hoặc đối tác yêu cầu trả bằng tiền mặt sẽ được giảm giá cũng có nhiều nguy cơ bị coi là sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị phạt tới 250.000 đô la Mỹ đối với cá nhân, 500.000 đô la Mỹ đối với tổ chức hoặc bị phạt tù tới 5 năm.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), cảnh báo, doanh nghiệp cần lưu ý những quy định trên của thị trường Mỹ và EU để tránh rủi ro trong hoạt động xuất khẩu.
Hiện sản phẩm gỗ đã qua chế biến của Việt Nam xuất khẩu tới hơn 120 quốc gia. Mỹ, EU và Nhật Bản chiếm tới hơn 80% thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, chủ yếu là sản phẩm nội thất phòng ngủ, phòng ăn, và nhà bếp.
Mỹ hiện đang là thị trường lớn nhất, lớn gần gấp 3 lần thị trường đứng thứ 2 (Nhật Bản) và là thị trường duy nhất duy trì tăng trưởng tích cực trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu gỗ của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian gần đây./.