Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng 51% trong tháng 4
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Trung Quốc giữ vị trí là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo trong tháng 4 giảm sút ở hầu hết các thị trường, nhất là thị trường châu Phi. Riêng thị trường Trung Quốc lại tăng 51%, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Trung Quốc giữ vị trí là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi, đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới, bù đắp sự sút giảm từ các thị trường khác do cạnh tranh của Thái Lan.
VFA dự báo, giá gạo xuất khẩu sang thị trường này sẽ ổn định trong tháng 5 và ngay cả tháng 6, trước khi sút giảm do kết hợp nhu cầu yếu từ Trung Quốc (bắt đầu thu hoạch) và thu hoạch vụ Hè Thu trong nước từ tháng 7, làm tăng áp lực giảm giá.
Tuy nhiên, VFA cũng cảnh báo, không loại trừ lo ngại, Việt Nam sẽ nhận quả đắng khi phụ thuộc quá lớn vào đối tác Trung Quốc.
Số liệu mới công bố từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,04 triệu tấn và 931 triệu USD. Trong đó, đứng thứ nhất là thị trường Trung Quốc với 38,37% thị phần, tiếp đến là Gana, Singapore, chiếm thị phần lần lượt là 4,8% và 3,79%.
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc sản xuất khoảng 142,3 triệu tấn gạo so với tiêu thụ khoảng 146 triệu tấn. Nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2013 - 2014 dự kiến khoảng 3,5 triệu tấn./.