Xuất khẩu gia súc từ Australia sang Việt Nam tăng vọt
VOV.VN-Dự báo, trong năm nay, Việt Nam có khả năng nhập khẩu 150.000 con gia súc từ Australia, thậm chí cao hơn.
.
.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, tăng trưởng xuất khẩu gia súc sống từ Australia sang Việt Nam tiếp tục vượt kỳ vọng của ngành chăn nuôi gia súc, với số lượng xuất khẩu dự kiến đạt 150.000 con, thậm chí sẽ cao hơn trong năm 2014.
Trong hai năm qua, Việt Nam đã vượt lên từ chỗ là một trong những thị trường tiêu thụ gia súc nhỏ nhất của Australia lên vị trí thứ ba, chủ yếu do nguồn cung ở Đông Nam Á giảm và nhu cầu tiêu thụ thịt bò tăng trong khu vực.
Gia súc sống xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng vọt trong giai đoạn từ năm 2012 - 2013, tương ứng từ 3.500 con lên 66.951 con. Việc tăng trưởng này không có dấu hiệu chậm lại với bằng chứng gần 40.000 con đã được xuất khẩu sang Việt Nam tính từ đầu năm đến nay.
Đầu tháng 3 vừa qua, Đoàn quan chức Chính phủ và doanh nghiệp do Bộ trưởng các ngành công nghiệp Bắc Australia Willem Westra Van Holthe dẫn đầu đã sang thăm các khu vực nuôi và giết mổ gia súc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Xuất khẩu Chăn nuôi Bắc Australia Ben Hindle cho biết, các nhà nhập khẩu Việt Nam đã đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu gia súc từ Australia, bao gồm trang trại và cơ sở giết mổ.
Dự báo, trong năm nay, Việt Nam có khả năng nhập khẩu 150.000 con thậm chí cao hơn và vượt qua Israel (98.000 con năm 2013) trở thành thị trường lớn thứ hai của Australia, chỉ đứng sau Indonesia (450.000 con năm 2013, dự kiến 700.000 con năm 2014). Thị trường nhập khẩu gia súc truyền thống của Việt Nam là Thái Lan nhưng hiện nay đã giảm do chính phủ Thái Lan hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Ông Hindle cho biết nhu cầu tăng vọt của Việt Nam đã tạo ra sự cạnh tranh và giúp ổn định giá xuất khẩu cho sản xuất giá súc ở Bắc Australia và Nam Australia. Bộ trưởng các ngành công nghiệp Bắc Australia Van Holthe cũng cho biết những chuyến hàng xuất khẩu trâu đầu tiên sang Việt Nam chỉ là sự khởi đầu cho kỳ vọng trở thành một ngành sản xuất bền vững cho Bắc Australia, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân./.