Xuất khẩu lâm sản và thủy sản đối mặt rào cản gì để đạt mục tiêu 10 tỷ USD?
VOV.VN - Cùng đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019, ngành lâm sản và thuỷ sản phải đối mặt với những rào cản về kỹ thuật khi FTA mới có hiệu lực.
Mục tiêu chinh phục mốc 10 tỷ USD
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2018 đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt khoảng 8,787 tỷ USD, chiếm 95% giá trị. Đặc biệt, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm đạt gần 7 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.
Thị trường xuất khẩu lâm sản tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87,33% kim ngạch XK lâm sản. Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,5 - 6,0%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD.
Trong năm 2019, ngành thủy sản cũng đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu này đặt ra trên cơ sở mức tăng trưởng tốt (8,4% so với năm 2017) với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD năm 2018. Thị trường xuất khẩu thuỷ sản cũng được hưởng lợi từ căn thẳng thương mại Mỹ - Trung và các Hiệp định thương mại tự do mới (FTA) có hiệu lực.
Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD. |
Tập trung vào chế biến các sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra.... Sản lượng nuôi trồng đạt hơn 4,3 triệu tấn, tăng 3,6%; trong đó, sản lượng cá tra đạt hơn 1,4 triệu tấn. Phấn đấu tăng về sản lượng thủy sản cả về sản lượng khai thác và nuôi trồng. Ngành thủy sản cần tiếp tục tập trung tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.
Đối với các nhà máy chế biến xuất khẩu thuỷ sản đã đạt những tiêu chuẩn quy chuẩn được Mỹ, Nhật Bản, EU công nhận. Nhưng trong tái cơ cấu là phải hướng tới chế biến sâu và đặc biệt là chế biến hết không để nguyên liệu dư thừa. Qua đó tăng giá trị của các sản phẩm thuỷ sản từ nuôi trồng đến khai thác.
Nhiều thách thức trong “sân chơi lớn”
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ trong thời gian gần đây phát triển, doanh nghiệp gỗ trong nước vượt doanh nghiệp FDI, xuất siêu hơn 7 tỉ USD. Cơ cấu ngành gỗ đồng đều 3 miền, thương hiệu gỗ Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam nhưng cũng có thách thức. Một vấn đề lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là quyền sở hữu trí tuệ, hiểu biết về vấn đề sở hữu trí tuệ ngành gỗ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước rất hạn chế.
“Để ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2019, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp lâm sản vay vốn để áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất khi mà quỹ đất để phát triển rừng đã không còn. Tổ chức sản xuất cũng cần tính đến việc liên kết, sản xuất rừng quy mô nhỏ lẻ kiểu hộ gia đình sẽ khó đáp ứng được các đơn hàng lớn” - ông Quyền nói.
Ngành lâm sản sẽ đối mặt với vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ và việc sử dụng hóa chất trong sản xuất khi xuất khẩu vào thị trường EU. (Ảnh: KT) |
EU là một trong 5 thị trường lớn của ngành lâm sản Việt Nam. Thuế nhập khẩu ván ép và các sản phẩm tương tự sẽ loại bỏ thuế quan trong 3 - 5 năm; sản phẩm nội ngoại thất, mức thuế từ 2,7 - 5,7% hiện nay cũng sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Nhưng đồng thời với đó là những rào cản kỹ thuật vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ và việc sử dụng hóa chất trong sản xuất.
Cần tổ chức lại sản xuất
Cùng với mặt hàng lâm sản, thuỷ sản cũng sẽ được mở cửa vào EU khi EVFTA có hiệu lực và các sắc thuế được giảm. Cụ thể, thuế nhập khẩu sẽ giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá phi lê đông lạnh và từ mức 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá phi lê đã chế biến.
Kỳ vọng nhu cầu thuỷ sản trong năm 2019 tại EU sẽ tăng mạnh nhưng để hàng thuỷ sản chính ngạch vào được thị trường này, cần được chấp nhận trên cơ sở hệ thống kiểm tra và sức khỏe cộng đồng của EU. Các nhà sản xuất có hàng thủy sản xuất khẩu sang EU phải tổ chức giám sát hoạt động sản xuất và chế biến của mình phù hợp
Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho rằng, để ngành thuỷ sản phát triển, đáp ứng được các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính, đạt được mục tiêu đề ra thì tiếp tục tái cơ cấu ngành là đầu tiên. Tổ chức lại quy mô sản xuất, khi các hộ gia đình nhỏ lẻ với diện tích quy mô dưới 1 ha chiếm 75%, đó là rào cản cho sản xuất lớn và thu hút doanh nghiệp đầu tư.
“Cần gỡ những nút thắt cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Đầu tư cho công nghiệp chế biến đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tạo hành lang pháp lý đảm bảo trong quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp cũng là yêu cầu cấp thiết trong xây dựng các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu” - bà Võ Thị Ánh cho biết./.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động mạnh đến ngành gỗ Việt Nam
Năm 2019: Thủy sản hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD