Xuất khẩu nông sản vào EU, cơ hội của thị trường cho giá trị cao
VOV.VN - 2 nhóm ngành hàng vốn được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, là nhóm hàng nông sản thực phẩm và dệt may cần được tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
Sở dĩ lựa chọn nông sản là ngành hàng đầu tiên khi nói tới các lợi ích đạt được của Hiệp định EVFTA là bởi đã có rất nhiều nỗ lực trong quá trình đàm phán Hiệp định này.
“Lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực mà người lao động tương đối thiệt thòi so với nhiều lĩnh vực khác. Việc chúng ta có được cơ cấu tốt hơn trong sản xuất nông nghiệp, khi chúng ta xuất khẩu sang thị trường với giá trị gia tăng cao như EU thì điều kiện để chúng ta tăng thu nhập cho nông dân là có. Chúng tôi hy vọng là càng về dài hạn, khi chúng ta quen với những điều kiện khó khăn của thị trường EU và thâm nhập tốt hơn, chúng ta xuất khẩu được những mặt hàng với giá trị gia tăng cao hơn” - ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương.
Rõ ràng, 8 trong số 12 ngành hàng được Bộ Công Thương điểm danh có nhiều dư địa phát triển tại thị trường EU khi thực thi Hiệp định EVFTA thì thực tế sau 2 năm, từ thủy/hải sản, rau quả/trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su và gạo đều cho những kết quả tăng trưởng mạnh mẽ cả số lượng và giá trị thu được.
Thống kê cho thấy, sau 2 năm, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của ta đã phục hồi và gia tăng đáng kể (trong đó, hạt tiêu tăng 81,3%, cà phê tăng 62,7%, gạo tăng 42,9%, thuỷ/hải sản tăng 22,7%...); Và, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực nông nghiệp năm sau cũng cao hơn năm trước (như thuỷ sản 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%). Chỉ dẫn chứng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngay lập tức khoảng 50% dòng thuế trong lĩnh vực nông nghiệp được giảm về 0% cũng đã cho thấy sức hấp dẫn và lợi ích đạt được từ thị trường này.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp nông sản Việt Nam - EU do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Cao ủy phụ trách Nông nghiệp của Liên minh châu Âu Janusz Wojciechowski khẳng định, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của EU ở Đông Nam Á sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thì nhấn mạnh, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản Việt, tốc độ tăng trưởng thương mại của hai bên tăng nhanh từ 4 tỷ USD năm 2018 đến nay đã tăng lên trên 6 tỷ USD…
Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức khả quan ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, song rất nhiều thách thức cũng đã bộc lộ rõ sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA. Nổi cộm lên là chi phí logistics còn cao dẫn đến sức cạnh tranh về giá của chúng ta còn yếu hơn so với các sản phẩm cùng loại đến từ những thị trường đối thủ khác; hay việc “gỡ thẻ vàng” IUU cho con tôm - mà EU áp dụng cho tiêu chuẩn của ngành hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Những “ưu tiên hàng đầu” được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Một là là chúng ta làm sao chúng ta tháo gỡ được thẻ vàng EC và hai là chúng ta phải minh định để tiến tới một nền ngư nghiệp minh bạch, có trách nhiệm”.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành nông nghiệp phải tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại… để vượt qua rất nhiều các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu khắt khe của các thị trường thành viên EVFTA.
“Hiệp định EVFTA là một chân trời mới cho nông sản Việt Nam đi theo hướng không phải cạnh tranh bằng giá cả, không phải cạnh tranh bằng số lượng, mà cạnh tranh bằng chất lượng và giá trị gia tăng… Đặc biệt, với những cam kết gần đây của các lãnh đạo Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải cacbon thì thị trường châu Âu mở ra một cơ hội rất lớn cho chúng ta là ưu đãi, là mua với giá cao các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và bảo vệ và phát triển ổn định trong điều kiện biến đổi khí hậu” - TS. Đặng Kim Sơn nói.
Từ thực tế của ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, trước những đòi hỏi sản phẩm sạch, môi trường xanh, với các tiêu chuẩn cao gắn với việc nâng cao giá trị gia tăng của từng lĩnh vực ngành hàng và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu… bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đề xuất: “Tôi cũng muốn đề cập đến giá trị gia tăng của thủy sản Việt Nam nói chung và trong đó như là mặt hàng tôm, ngoài các sản phẩm chúng ta chế biến để xuất khẩu đi thì cũng còn những phần nữa - là phần phế phẩm và phụ phẩm từ những con tôm, con cá tra - thì hiện nay đang là một thị trường bỏ ngỏ và chưa được quan tâm để đầu tư phát triển. Trong khi đó, các thị trường khác ở các nước, ví dụ như các nước ở EU thì họ có công nghệ để chế biến rất là tốt. Chúng tôi ước tính phải đến 50% khối lượng của con tôm nguyên liệu là phế/phụ phẩm”.
Lợi thế từ Hiệp định EVFTA không phải chỉ từ hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, mà kỳ vọng trong thu hút đầu tư từ thị trường EU thông qua Hiệp định thương mại tự do EVFTA (và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu – EVIPA cũng đã được 2 bên ký kết) là rất lớn. Và chúng ta hoàn toàn có thể có được các cơ hội về tiếp cận công nghệ từ các nước EU để có được các công nghệ chế biến sâu, để tận dụng tối đa nguồn lợi có được từ con tôm, con cá hay rất nhiều các phế phụ phẩm từ lĩnh vực nông sản, vừa tạo thêm được các ngành nghề mới, gia tăng giá trị của các lĩnh vực ngành hàng, qua đó giúp chúng ta phát triển bền vững hơn./.
Cùng loạt bài: “Cao tốc EVFTA” và những nỗ lực sau 2 năm thực thi”
Bài 1: Những kết quả đạt được sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA