Xuất khẩu thủy sản: Phải biết cách lùi và tiến

Nếu chúng ta cứ chịu áp lực tháng sau phải cao hơn tháng trước, năm sau cao hơn năm trước thì sẽ khó phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã nói như vậy khi nói về chiến lược phát triển con cá tra của Việt Nam.

Với khối lượng xuất khẩu gần 645.000 tấn, được xem là đạt mức cao trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2010 lại không đạt mức kế hoạch đề ra.

Chủ động điều tiết thị trường

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trung bình cá tra xuất khẩu 11 tháng của năm 2010 đạt 2,14 USD/kg, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là sản lượng nuôi tăng quá nhanh và nhiều rào cản từ các thị trường tiêu thụ.

Đầu năm 2009, trong kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VASEP đã cảnh báo hiện tượng đầu tư vượt quá năng lực nuôi cá, dẫn tới hậu quả xấu là lúc thì tranh mua đẩy giá cá lên cao, lúc thì tranh bán với khách hàng nước ngoài đẩy giá xuất khẩu xuống thấp, sau đó quay lại kéo giá mua cá của nông dân rớt xuống thê thảm.  

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch VASEP, nhu cầu thế giới về tiêu thụ cá tra trong năm tới sẽ lớn hơn nguồn cung cấp. Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2011, sản lượng cá tra chỉ khoảng 1 triệu tấn và dành cho xuất khẩu khoảng 360.000 tấn, giảm gần 40% so với năm 2010 (kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD).

Ông Dũng cho rằng, ngay từ bây giờ, chúng ta phải đặt cơ sở để ngành thủy sản phát triển bền vững, đặc biệt là tôm và cá tra. Phải có bước chuẩn bị cơ bản, trong đó có cả bước lùi để phát triển. “Nếu chúng ta cứ chịu áp lực tháng sau phải cao hơn tháng trước thì sẽ khó phát triển bền vững” – ông Dũng nói.

Việt Nam sản xuất 95% sản lượng cá tra trên thế giới. Nếu chúng ta cứ “cắm cúi” phát triển diện tích nuôi trồng cá tra thì giá sẽ không tăng được. Cố làm nhiều nhưng lại không được bao nhiêu. “Chúng ta chủ động tác động cân bằng cung – cầu để kiểm soát thị trường. Nếu không làm được điều này thì chúng ta sẽ tự phá mình” – ông Dũng khẳng định.

VASEP cũng đã khuyến cáo doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng 1 tháng chứ không ký 6-12 tháng như trước. Khi kiểm soát được sản lượng thì giá bán sẽ tăng. Sang năm 2011, các doanh nghiệp áp dụng giá sàn xuất khẩu.

Đối mặt với hàng loạt khó khăn

Theo đánh giá chung, bước sang năm 2011, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Trước hết phải kể đến là nguồn lao động. Lao động ngành thủy sản đang thiếu trầm trọng. Nhiều nhà máy chế biến cá tra dù thiếu nguyên liệu nhưng vẫn phải trưng bảng tuyển hàng nghìn công nhân. “Ngành thủy sản đang thiếu những công nhân có trình độ hiểu biết, làm việc công nghiệp từ khâu nuôi trồng đến chế biến” – ông Dũng thừa nhận.

Khó khăn lớn nhất năm 2011 là vốn. “Ông Phạm Văn Bảy – Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết: Không bao giờ thiếu vốn. Sao cùng trong ngành nông nghiệp, con cá – hạt lúa mà chúng tôi lại thiếu vốn thường trực. Chúng tôi không kiến nghị về lãi suất mà Chính phủ cần có chính sách cho vay vốn căn cứ vào trình độ làm hàng giá trị gia tăng của doanh nghiệp” – ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, doanh nghiệp tăng giá trị bao nhiêu thì được vay vốn dễ dàng bấy nhiêu. Nếu chính sách đó rõ ràng thì doanh nghiệp sẽ đi theo hướng sản xuất hàng giá trị gia tăng.

Để ngành thủy sản phát triển bền vững, đặc biệt với con cá tra, basa và tôm, chúng ta cần phát triển quan hệ sản xuất theo chuỗi sản xuất dọc giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp phải tiếp cận với nông dân về mọi mặt chứ không phải chỉ mua sản phẩm. “Hiện nay, doanh nghiệp đã nuôi khoảng 70% lượng cá tra. Bộ phận nông dân còn lại phải được chuyên nghiệp hóa để nuôi trồng thủy sản có chất lượng, an toàn” – ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, để giải quyết các vấn đề về nuôi thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, cần phải ngăn chặn ngay tình trạng phát triển nuôi tràn lan không hiệu quả, đặc biệt là không quản lý được chất lượng con giống, môi trường nuôi để không làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả sản xuất của toàn ngành.

Một vấn đề nữa là việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm thủy sản Việt Nam. Ông Vũ Văn Dũng, Vụ trưởng vụ nuôi trồng (Tổng cục Thủy sản) nhận định, hầu hết các doanh nghiệp tự xây dựng cho mình một thị trường, thương hiệu riêng mà chưa quan tâm đến thương hiệu chung của cá tra Việt Nam.

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, chúng ta cần phải thay đổi chính sách xúc tiến thương mại. Xúc tiến thương mại không phải đơn giản là việc tham gia các hội chợ, triển lãm, tham quan ở nước ngoài. “Cục Xúc tiến thương mại cần đưa đại diện truyền thông nước ngoài vào Việt Nam để họ thấy cách chúng ta sản xuất cá tra, ba sa như thế nào. Chúng ta phải làm thương mại bằng hình ảnh. Nước ngoài có thông tin không chính xác về cá tra Việt Nam vì chúng ta quảng bá hình ảnh quá yếu. Xúc tiến thương mại phải đầu tư dài hạn, trung hạn chứ không phải chỉ 3-5 năm” – ông Dũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên