Xuất khẩu tôm đạt kỷ lục trên 2 tỷ USD

Việt Nam hiện đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ, chiếm tỷ trọng 9,8% trong tổng giá trị tuy chỉ chiếm 8% tổng khối lượng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đến hết tháng 11/2010 xuất khẩu tôm của cả nước đạt gần 219.000 tấn, giá trị khoảng 1,9 tỷ USD. Ước tính cả năm 2010, khối lượng xuất khẩu đạt khoảng 240.000 tấn với giá trị khoảng 2,08 tỷ USD, tăng 15,4% về khối lượng và 24,17% về giá trị so với năm 2009. Trong năm 2010, có 341 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng tôm (149 DN xuất khẩu tôm chân trắng, 163 DN xuất khẩu tôm sú) sang 92 thị trường, tăng hơn 10 thị trường so với năm 2009. Để đạt được những thắng lợi này, theo đánh giá của VASEP là do tác động của nhiều yếu tố.

Đóng góp của tôm thẻ chân trắng

Sau 3 năm (từ năm 2008) được phép nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà trong cả nước, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng liên tục tăng qua từng năm và đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm. Năm 2010, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng cả nước gần 25.000 ha (tăng 30% so với 2009), sản lượng đạt 135.000 tấn (tăng 50% so 2009). Nuôi tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh (gần 4.000 ha) và các tỉnh Nam Trung bộ (gần 7.000 ha) với hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh.

Trong 11 tháng năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 56.271 tấn tôm chân trắng, trị giá xấp xỉ 370 triệu USD, chiếm 25,7% về khối lượng và 19,4% về giá trị trong tổng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm tôm, giá trị xuất khẩu đứng thứ 2 sau con tôm sú. Dự kiến xuất khẩu tôm chân trắng cả năm 2010 khoảng 61.000 tấn, trị giá gần 410 triệu USD.

Tuy nhiên, tôm sú vẫn là đối tượng chủ lực quyết định thành công của ngành tôm, đặc biệt tôm sú cỡ lớn là độc quyền của tôm Việt Nam. Năm 2010, diện tích nuôi tôm sú cả nước đạt 613.718 ha, tăng không đáng kể so với năm trước. Diện tích nuôi tập trung ở 6 tỉnh ĐBSCL (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) với diện tích 564.485 ha (chiếm 92%). Trong đó, diện tích nuôi thâm canh chỉ chiếm khoảng 10% (gần 63.000 ha). Tổng sản lượng tôm sú nuôi đạt gần 333.000 tấn (chỉ tăng hơn 4% so với năm 2009).

Từ đầu năm đến hết tháng 11/2010, Việt Nam xuất khẩu 128.926 tấn tôm sú, trị giá 1,304 tỷ USD (tăng 42,4% về khối lượng và 58,8% về giá trị so với cùng kỳ 2009), chiếm 58% về khối lượng và 68% về giá trị trong tổng số lượng xuất khẩu tôm. Dự kiến, giá trị xuất khẩu tôm sú cả năm khoảng 141.000 tấn đạt 1,45 tỷ USD.

Nỗ lực đa dạng hoá thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm của DN

Năm 2010, nhiều thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, một số thị trường có sự thay đổi cấu trúc sản phẩm và quốc gia cung cấp, nhưng Việt Nam đã xuất khẩu sang 92 thị trường, tăng hơn 10 thị trường so với năm 2009 do sự sụt giảm của một số nước cung cấp tôm và nhờ sự năng động, nỗ lực của các DN tôm trong nước.

Các DN tôm ngày càng chú trọng đa dạng hoá sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị, góp phần làm cho giá trị xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh hơn khối lượng. Trong 11 tháng, khối lượng tôm xuất khẩu tăng 13%, nhưng giá trị tăng 23,5% so với cùng kỳ 2009. Giá trung bình xuất khẩu tôm năm nay đạt khoảng 8,7 USD/kg, tăng 8,8% so với 2009. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều tăng - chứng tỏ sản phẩm tôm Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường thế giới.

Bên cạnh một số cơ hội và lợi thế thị trường, năm 2010, sự đồng lòng của các DN tôm trong chiến lược sản xuất và giá xuất khẩu cũng là một trong những yếu tố để con tôm Việt Nam giữ và tăng được giá trên thị trường thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn. Mỹ là thị trường có giá trung bình cao nhất, đạt 10,6 USD/kg, tăng 16% so với 2009, tiếp đến Nhật Bản và EU. Các thị trường mới cũng có sự phục hồi đáng kể cho giá xuất khẩu cao như Australia, Canada và Singapore (trung bình từ 8,3 - 10,1 USD/kg).

Sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico, sự phục hồi kinh tế của các thị trường chính, tình trạng bệnh dịch khiến giảm mạnh sản lượng tôm nuôi hoặc sự cố an toàn thực phẩm ở một số nước sản xuất tôm chính ở châu Á là những yếu tố và cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng trong năm 2010, khi lượng cầu đã cải thiện và lớn hơn lượng cung trên thế giới.

Nhu cầu tôm tại các thị trường phục hồi

Xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính đều tăng trưởng cao cả về khối lượng và giá trị, trong đó thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc - đặc biệt Trung Quốc có mức tăng trưởng cao nhất 54% về giá trị trong 11 tháng đầu năm. Chúng ta chỉ có 2 thị trường bị giảm giá trị nhập khẩu là Canada và Philippines. Đến nay, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, tiếp theo là Mỹ và EU.

Mặc dù, Nhật có dấu hiệu giảm dần khối lượng và giá trị nhập khẩu tôm trong 15 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn liên tục đứng đầu về thị phần tôm nhập khẩu tại Nhật trong vài năm qua, chiếm hơn 20,1% về khối lượng và 20,9% về giá trị trong tổng nhập khẩu tôm của Nhật Bản. 11 tháng năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật 57.236 tấn tôm, trị giá 528,127 triệu USD, tăng 8,2% về khối lượng và gần 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Việt Nam hiện đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ, chiếm tỷ trọng 9,8% trong tổng giá trị tuy chỉ chiếm 8% tổng khối lượng. Giá tôm Việt Nam đạt cao nhất so với mặt bằng giá chung tại Mỹ, cho thấy giá trị của tôm sú cỡ lớn so với tôm thẻ của các nước khác. Đến hết tháng 11/2010, Việt Nam xuất sang Mỹ gần 48.000 tấn tôm trị giá 511,7 triệu USD, tăng  20,3% về khối lượng và 40,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2010, nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường EU đã phục hồi và hiện nay, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu tôm vào EU, chiếm hơn 5% tổng thị phần. Lợi thế về giá với tôm sú cỡ vừa và lớn khiến khối lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh trong giai đoạn 2003 - 2009, trung bình đạt 16,8%/năm. Đến hết tháng 11/2010, Việt Nam xuất khẩu 41.800 tấn tôm vào EU trị giá 307 triệu USD, tăng 8,7% về khối lượng và 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2009.

Xuất khẩu tôm 2011 cũng sẽ vượt 2 tỷ USD

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nội tại trong năm 2010, như tình trạng thiếu nguyên liệu, vấn nạn bơm chích tạp chất trong tôm nguyên liệu, thiếu lao động cục bộ, chi phí sản xuất tăng cao (nguyên liệu, điện, chi phí lao động, kiểm nghiệm...), rào cản thị trường, vấn đề kháng sinh trong tôm nuôi, đặc biệt trifluralin và CAP khiến kiểm soát tại Nhật Bản tăng lên vào cuối năm. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các DN, của ngành và Nhà nước, ngành công nghiệp tôm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Theo dự báo của VASEP, năm 2011, sản lượng tôm sản xuất trong nước sẽ tăng do kết quả đạt được trong sản xuất năm 2010, sẽ tạo động lực để tăng trưởng sản lượng, đặc biệt là tôm chân trắng. Do đó, giá trị xuất khẩu tôm năm 2011 sẽ tiếp tục giữ ở mức trên 2 tỷ USD, đạt khoảng 2,1 tỷ USD.  

Để đạt được kết quả trên, trong năm 2011, ngành tôm Việt Nam phải tiếp tục và tập trung xây dựng các mối liên kết kinh tế trong sản xuất, kiểm soát hiệu quả các vấn đề kháng sinh mà nhiều thị trường đang đặt ra. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, phát triển quy hoạch các vùng nuôi an toàn, và cuối cùng là tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên