Xuất khẩu vào EU nên tập trung vào hàng nông sản
(VOV)- Những mặt hàng như sắt thép, đồ gỗ, giày dép… chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do người dân châu Âu tiếp tục thắt chặt chi tiêu
Theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam nói chung là không lớn, có phần do đồng tiền Việt Nam chưa được tự do chuyển đổi, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu thanh toán bằng USD.
Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, EU đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,31 tỷ USD năm 2012, tăng 22,7% so với cùng kỳ và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 8,79 tỷ USD, tăng 13,48%.
Số liệu thống kê xuất nhập khẩu năm 2012 của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 85% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thành viên EU tập trung ở 8 thị trường lớn: Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ và Áo.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2012 và chiếm tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như: dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, máy vi tính. Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011, nhưng đã đạt kim ngạch trên 5,4 tỷ USD trong năm 2012.
Dự kiến tác động của khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro năm 2013 sẽ chỉ ảnh hưởng ở mức thấp đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam do các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào châu Âu chủ yếu vẫn là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đây đang là nhóm mặt hàng xuất khẩu có mức tiêu thụ khá ổn định.
Tuy nhiên những mặt hàng không phải là nhu yếu phẩm như sắt thép, đồ gỗ, giày dép… là những mặt hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do việc người dân châu Âu tiếp tục thắt chặt chi tiêu trước nguy cơ khủng hoảng nợ công lan rộng. Rõ rệt nhất là mặt hàng giày dép, trong hai tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang EU chỉ đạt 457 triệu USD, giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Thương Vụ Việt Nam tại Romania cho rằng, trong điều kiện cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu chưa thể chấm dứt trong năm 2013, để kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước EU không bị suy giảm nhiều, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này các mặt hàng là nhu yếu phẩm, nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến…
Một khuyến cáo đáng lưu ý khác là các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp tục sử dụng đồng USD làm đồng tiền thanh toán trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của mình để tránh nguy cơ mất giá của đồng euro.
Theo các chuyên gia, mức đầu tư và tiêu dùng bên trong EU dự kiến sẽ chỉ phục hồi từ khoảng cuối năm 2013- đầu năm 2014.
Ngoài thị trường EU, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mới có tiềm năng như các nước khu vực Trung Đông, châu Phi… đồng thời kết hợp các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước./.