Xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng nhưng chưa hết khó khăn
VOV.VN - Trong thời gian còn lại của năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường…
Số liệu mới nhất được Bộ Công Thương công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2022 ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tính chung 10 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Bộ Công Thương cũng nhận định, trong thời gian còn lại của năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, mặc dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng theo nhận định của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt.
“Trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, Việt Nam cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước”, ông Phú lưu ý.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, bà Triệu Thúy Nga, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cho rằng, cơ quan xúc tiến thương mại trong nước cần xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một vài ngành hàng hoặc một vài nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại.
Đối với các DN, cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.
“Đối với thị trường Trung Quốc, các DN cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt Việt Nam là những sản phẩm Trung Quốc không sản xuất được, thông qua tổ chức tuần hàng nông sản tại các khu vực tập trung đông người nhằm tạo thương hiệu hàng Việt, từ đó góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc”, bà Nga khuyến cáo.
Nhìn nhận dư địa giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU còn nhiều, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, hiện EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu nông sản. Các nông sản nhiệt đới rất phù hợp với thị trường ôn đới của EU. Hiện, Việt Nam đã đưa rất nhiều sản phẩm có chất lượng vào thị trường EU như gạo ST 25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều..., Ở chiều ngược lại, người dân Việt Nam cũng có nhu cầu lớn với các sản phẩm chất lượng cao từ EU như: thịt, hoa quả, đồ uống, sữa tươi…
“Hiệp định EVFTA đã trao cơ hội cho cả hai bên có thể đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, các DN hai bên cần cùng nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác”, ông Phạm Tấn Công nói.
Theo thông lệ hàng năm, thường vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu thụ sẽ cao hơn, tuy nhiên, trong bối cảnh bất định của thế giới như hiện nay, nhu cầu về đơn hàng cho xuất khẩu của Việt Nam lại giảm sút, tác động rất lớn tới các DN xuất nhập khẩu các mặt hàng như dệt may, gỗ, da giày…
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong khi một số thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ đang đưa ra những hàng rào kỹ thuật rất lớn. Trong trường hợp này đòi hỏi có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ cùng DN tìm hiểu thị trường, tìm hiểu, thoả thuận đàm phán với nước bạn để có thể bảo vệ tốt nhất cho DN trong nước.
“Cùng với việc duy trì thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp cùng DN đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu để giúp DN có cơ hội thị trường xuất khẩu tốt hơn. Đây là những giải pháp cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới bên cạnh giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, bà Thảo khuyến nghị.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Việt Nam cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước./.