Xúc tiến thương mại khi nào mới chuyên nghiệp?
VOV.VN - Hoạt động xúc tiến thương mại cần nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp cả trong và ngoài nước.
Công tác xúc tiến thương mại (XTTM) thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng trưởng bình quân 10%/năm. Các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia giai đoạn 2010 - 2015 đã thu hút hơn 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết hợp đồng với tổng trị giá hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và doanh số bán hàng đạt gần 6,3 tỷ USD và trên 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, hoạt động XTTM được chú trọng đẩy mạnh, thường xuyên đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, sản phẩm dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, điện, điện tử, dược, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, thép…
Đánh giá về hiệu quả của hoạt động XTTM trong thời gian qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, Chương trình XTTM đã được triển khai một cách hiệu quả, tập trung vào các nội dung góp phần nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành.
“Các hoạt động XTTM đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận và đánh giá tích cực, thực sự hỗ trợ hiệu quả việc xúc tiến xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và mở ra cơ hội tại các thị trường tiềm năng. Các doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng XTTM, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực thiết kế, sáng tạo mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Việc đầu tư cho các hoạt động XTTM vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như các nước trong khu vực. (Ảnh minh họa: KT) |
Bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết vẫn có một số vấn đề mà hệ thống XTTM cần khắc phục. Cụ thể như nguồn nhân lực làm công tác XTTM cần phải được nâng cao cả số lượng và chất lượng; Việc đầu tư cho các hoạt động XTTM vẫn còn hạn chế so với thế giới cũng như các nước trong khu vực. Chẳng hạn như kinh phí dành cho Chương trình XTTM quốc gia của Việt Nam hiện nay tính theo tỷ lệ % chỉ tương đương 1/30 tỷ lệ trung bình của toàn thế giới, bằng 1/4 so với Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.
Mặt khác, nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí, nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện. Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM vẫn còn thiếu thốn và sơ sài làm ảnh hưởng tới quy mô của các hội chợ triển lãm…
Xúc tiến thương mại theo hướng đa phương thức
Để khắc phục những tồn tại và tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được trong hoạt động XTTM, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn việc triển khai hoạt động XTTM đòi hỏi phải đồng bộ, kết nối với các ngành khác để tập trung được các nguồn lực thực thi và hướng đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng được hưởng lợi hơn. “Đây cũng là yêu cầu thực tiễn đặt ra cho hệ thống các cơ quan làm công tác XTTM từ Trung ương đến địa phương cần phải khắc phục, làm tốt hơn trong thời gian tới”.
Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, công tác XTTM ngày càng phải thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình. Hoạt động XTTM cần phải nâng cao cả về chất và lượng, triển khai phối hợp nhiều biện pháp cả trong và ngoài nước nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác XTTM.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội đem lại từ các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động XTTM thiết thực, khả thi trong đó chú trọng các hoạt động nhằm khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các địa phương, doanh nghiệp với các hình thức hỗ trợ đa dạng, thiết thực, hiệu quả cao như: Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài, tổ chức đoàn giao dịch thương mại giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, mở rộng thị trường xuất khẩu tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Đặc biệt, công tác XTTM sẽ chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các hiệp định tự do thương mại, nơi các sản phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai. Công tác xúc tiến thương mại còn được thông qua các hoạt động tổ chức ngay tại Việt Nam như tổ chức Triển lãm quốc tế tại Việt Nam; Hội nghị quốc tế ngành hàng; tổ chức đón các đoàn mua hàng của nước ngoài vào Việt Nam;
Ngoài ra, Bộ Công Thương huy động hệ thống tham tán thương mại tại các nước trên thế giới giới thiệu các cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho doanh nghiệp; Phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức XTTM cập nhật thông tin thị trường cho DN thông qua các bản tin thị trường; tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp…/.