Ý kiến chuyên gia: Nợ xấu 6% hay 20%?
(VOV)-Việc nợ xấu giảm nhanh từ 8,8% còn 6% khiến nhiều người băn khoăn, nợ xấu có giảm thực sự hay không, hay chỉ là các biện pháp kỹ thuật
Từ cuối năm 2012 đến nay, ngân hàng Nhà nước liên tục có những biện pháp xử lý trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro, tái cơ cấu nợ và chủ động xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ đề án lập Công ty mua bán nợ Quốc gia.
Trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 28.2 vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam đã thông báo, nợ xấu theo số liệu của Thanh tra NHNN đã giảm từ 8,82% tại thời điểm cuối tháng 9/2012 xuống còn khoảng 6% .
Nếu nhìn vào tốc độ xử lý nợ xấu như thế này thì sẽ không ít người cho rằng không cần thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia mà cứ tiếp tục các biện pháp thiết lập dự phòng rủi ro và chủ động có các biện pháp xử lý nợ là được.
Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn, có thể các biện pháp đang thực hiện không thể xử lý triệt để nợ xấu, mà vẫn cần có các biện pháp khác trong thời gian tới.
Hơn nữa, việc nợ xấu giảm khá nhanh khiến nhiều người băn khoăn, về việc nợ xấu có giảm thực sự hay không, hay chỉ là các biện pháp kỹ thuật, giảm nợ xấu trên sổ sách, vì từ năm ngoái đến nay, thì doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, áp lực nợ xấu gia tăng vẫn còn.
Để làm rõ câu chuyện này, VOV1 đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia tài chính:
Nghe cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu
** Thưa ông, nợ xấu đã giảm tương đối nhanh, từ 8,8% của tháng 9/2012 xuống còn 6% cuối tháng 2/2013. Mức độ giảm nhanh của nợ xấu là ngoài kỳ vọng của nhiều người vì từ trước đến nay chúng ta vẫn cho rằng nợ xấu là bài toán khó và không thể giảm nhanh như thế. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề nợ xấu này?
- Trước hết về con số nợ xấu, nếu chúng ta đã giảm được từ 8,8% từ cuối năm 2012 xuống 6% vào thời điểm này, đây là một tin rất mừng, một bước tiến rất lớn trong ngành tài chính, ngân hàng.
Thế nhưng vấn đề đặt ra là liệu con số này chính xác đến đâu và thực chất của vấn đề nợ xấu như thế nào.
Tôi nghĩ rằng, con số 6% mà hiện tại chúng ta đang có được điều chỉnh bởi một số khoản nợ được cơ cấu lại theo quy định của ngân hàng Nhà nước.
Nợ được chia làm 5 nhóm: Nhóm 1 là những nợ bình thường; nhóm 2 là tất cả nợ quá hạn trả gốc hoặc lãi từ 10 ngày cho đến 90 ngày; nhóm 3 là nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày; nhóm 4 là nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày; và nhóm 5 là nợ từ 361 ngày trở đi
Nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cho phép một số tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ. Nếu doanh nghiệp và người vay có khả năng phục hồi, báo cáo tài chính minh bạch, thì ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu lại nợ, nghĩa là được giảm nhóm từ nhóm 5 xuống nhóm 4, nhóm 3 xuống 2, hoặc là 2 xuống 1.
Chính điều này là nguyên nhân lớn khiến giảm tỷ trọng nợ xấu rất lớn ở trong ngành ngân hàng.
Vấn đề hiện nay là phải xem đã có bao nhiêu doanh nghiệp được cơ cấu nợ lại đã có khả năng phục hồi tình trạng tài chính của mình và trả nợ cho ngân hàng.
Tôi đã được đọc một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm 2012 cho biết rằng số nợ xấu nếu cộng cả những nợ được tái cơ cấu thì lên đến khoảng 17,21% của tổng dư nợ. Như vậy, những nợ được cơ cấu đó nếu không thực sự được phục hồi thì cho đến thời điểm này, nợ xấu có thể lên đến 20% trên tổng dư nợ. Đây là ngưỡng mất an toàn.
Bởi trong trường hợp xấu nhất theo con tính của tôi là 20%, trên tổng dư nợ 2 triệu tỷ đồng là vào khoảng 540.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 27 tỷ USD. Cũng có nghĩa là tương đương với khoảng 20% trên GDP của chúng ta.
** Ông có cho rằng, ngoài cơ cấu lại nợ, biện pháp trích lập các dự phòng rủi ro sẽ góp phần làm giảm nợ xấu?
- Không, giảm nợ xấu không có liên quan gì đến trích lập dự phòng rủi ro.
Giảm nợ xấu là khi nào chúng ta có thể giải quyết được nợ, tức là khách hàng trả lãi và gốc cho ngân hàng một cách bình thường thì nợ xấu trở thành nợ tốt.
Cách thứ hai là các ngân hàng thanh lý món nợ đó bằng cách lập quỹ dự phòng rủi ro. Khi món nợ bị rơi xuống nhóm 5- nhóm tệ hại nhất, ngân hàng có quyền thanh lý tài sản bảo đảm.
Đó là cách xử lý để kéo giảm nợ xấu xuống, còn trích lập dự phòng chỉ là cách hạch toán để tạo ra tính an toàn cho ngân hàng.
Giải quyết nợ xấu không thể chỉ bằng trích lập dự phòng. Mà cuối cùng phải thanh lý tài sản.
** Vậy căn cứ nào để biết giảm nợ xấu. Có lẽ là như ông vừa phân tích là căn cứ vào sổ sách, nhìn thấy nó giảm thì là nó giảm?
- Đây là câu hỏi rất là lý thú. Thực ra, cơ quan chức năng quản lý tất cả ngân hàng là Ngân hàng Trung ương, họ theo dõi nợ xấu của ngân hàng một cách chặt chẽ.
Ngân hàng Trung ương dựa vào các báo cáo tài chính của các ngân hàng. Ngoài ra, họ cũng lập đoàn thanh tra đi kiểm tra sổ sách ở tất cả các ngân hàng xem báo cáo có đúng hay không. Cũng chính vì thế tỷ lệ nợ xấu được báo cáo bởi các ngân hàng thương mại, thường khác biệt với Ngân hàng Trung ương.
** Trở lại với các con số giảm nợ xấu, như đã thông tin ở trên, với nhiều biện pháp, từ cuối năm ngoái đến nay, nợ xấu đã giảm được khoảng 2%, xuống còn 6%. Dự kiến đến năm 2015, con số nợ xấu có thể về mức an toàn là khoảng 3%. Có ý kiến cho rằng, vậy thì đề án thành lập một công ty mua bán nợ để tiếp tục xử lý nợ xấu có nên tiếp tục hay không?
- Nếu mà chúng ta giảm được nợ xấu xuống đến 3%, hiện tại là chúng ta đang ở mức 6%, theo sổ sách và xuống 3% năm 2015, thì đây là một điều tuyệt vời.
Là một người trong ngành, tôi cũng mong muốn cơ thể của ngành ngân hàng sớm được lành mạnh nhưng theo tôi, vấn đề nợ xấu, thực chất của nợ xấu lớn lao hơn là con số có tính cách định lượng như thế.
Và tôi tin rằng vấn đề xử lý nợ xấu có lẽ phải ít nhất là 5 năm nữa, một chặng đường rất dài chứ không phải chỉ đến năm 2015.
** Như vậy, có vẻ nợ xấu đã giảm bằng các biện pháp đã thực hiện. Nhưng về bản chất, để hết được những rủi ro theo ông đã giảm được nợ xấu chưa thì còn là ẩn số?
- Vâng, chính thế và hiện tại Ngân hàng Nhà nước đang có một đề án là thành lập Công ty xử lý nợ xấu Quốc gia và tôi rất mong Thủ tướng sẽ sớm ban hành đề án đó bởi đây là sáng tạo rất lớn của Ngân hàng Nhà nước.
Một điều mà chúng ta rất quan tâm là tiền ở đâu để mà xử lý nợ. Ngân hàng Nhà nước trong đề án thành lập Công ty xử lý nợ Quốc gia đó, số tiền bỏ ra rất ít và Ngân hàng Nhà nước lấy uy tín của mình, để mà xử lý vấn đề nợ xấu, để mua lại những nợ xấu đó từ các ngân hàng.
Tôi mong rằng, với đề án thành lập Công ty xử lý nợ Quốc gia chúng ta sẽ dứt điểm có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu trong những năm tới./.