Ý kiến đại biểu quốc hội về tăng lương cơ bản 2013
(VOV) -Cần cắt giảm các khoản chi thường xuyên khác ngoài lương như lễ hội, kỷ niệm... để bố trí nguồn cho việc tăng lương.
Trong báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội, đã nêu rõ: Chi cải cách tiền lương theo dự kiến nếu từ 1/5/2013 điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25 lên 30% thì ngân sách Nhà nước cần bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng. Do khả năng cân đối ngân sách 2013 khó khăn, phương án cân đối nêu trên mới bố trí được trên 28.900 tỷ đồng, tức là đủ tăng lương trong thời gian 4 tháng. Để thực hiện mức tăng lương tối thiểu so với năm 2012 và đã tính khoản này vào dự toán chi thường xuyên, chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương năm 2013.
“Căn cứ tình hình thực tế thu ngân sách năm 2012 và những tháng đầu 2013, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương năm 2013 tại kỳ họp thứ 5” – Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nếu căn cơ, vẫn có thể bố trí được nguồn để tăng lương? (ảnh Internet) |
Về vấn đề này, bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, phóng viên VOV trao đổi với một số đại biểu.
Trước hết, về lộ trình tăng lương, theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), năm 2013 vẫn duy trì lộ trình nhưng kèm đó chi thường xuyên năm 2013 giữ tiền lương và trợ cấp xã hội, riêng các khoản chi thường xuyên khác ngoài lương cắt giảm ít nhất 10% so với thực chi 2012. Vì theo ông Lịch, chi ngoài lương và trợ cấp xã hội còn nhiều khoản chi tạm gọi là “vô tội vạ”.
Chia sẻ quan điểm về việc cần nâng lương đúng lộ trình, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng: Tình hình ngân sách của nhà nước trong năm 2012 cũng như năm 2013 rất khó khăn. Cho nên rất cần có sự chia sẻ chung với khó khăn của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế thu nhập từ lương hiện nay của những người làm công ăn lương vẫn còn thấp, đặc biệt là lực lượng giáo viên, cán bộ y tế. Vì thế, cần phải cân nhắc nếu không điều chỉnh được chung thì cũng cần có sự điều chỉnh cho từng khu vực và điều chỉnh mức tăng cho phù hợp.
Về nguồn để tăng lương, theo ông Trần Hoàng Ngân, trước hết phải làm kinh tế phục hồi để tăng trưởng và tăng thu nội địa. Ngoài ra, cần giảm các khoản chi không hợp lý nhất là các khoản chi liên quan đến lễ hội, lễ kỉ niệm, những khoản chi tiêu công mà chúng ta thấy rằng trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu thể hiện sự lãng phí.
Nhiều người lo ngại sẽ có hiện tượng tăng giá theo lương thì việc tăng lương sẽ chỉ trên danh nghĩa. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc tăng lương trong thời gian gần đây không gây sốc về giá. Trước đây chúng ta thường tăng lương vào thời điểm đầu năm, trùng với việc chi vào lễ hội, Tết khiến tăng giá. Hiện nay, cải cách tiền lương điều chỉnh vào tháng 5, không phải là thời điểm nóng về giá cả. Bên cạnh đó yếu tố tâm lý về tăng lương tăng giá đã giảm rất nhiều.
Tăng lương có sàng lọc?
Việc tăng lương cho cả hệ thống chính trị để có thể đảm bảo cuộc sống là xu hướng cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch cho biết: Quan điểm xuyên suốt của tôi là đồng thời với việc tăng lương phải nâng hiệu quả hoạt động của bộ máy. Trong đó, vấn đề phải tinh gọn bộ máy, xem lại những chức năng không cần thiết là việc quan trọng.
Đại biểu Trần Du Lịch đưa ra dẫn chứng: “Tôi tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, khi bắt đầu sáp nhập các Bộ, Tổng cục, bây giờ chúng ta xem bộ máy tăng hay giảm kể cả địa phương và Trung ương?”
Ông Lịch cho rằng, việc tăng lương phải gắn liền với chất lượng thực thi công việc. Đấy là hai việc phải đi kèm để làm sao bộ máy hoạt động hiệu quả và đồng lương nhận tương xứng. Không nên để tình trạng tăng lương để duy trì một bộ phận trong guồng máy làm việc không hiệu quả nhưng cứ ngồi đó để lĩnh lương.
“Tôi hình dung nếu cứ để bộ máy hành chính phình ra thì rõ ràng tăng lương không mang lại hiệu quả mà có những tác động tiêu cực” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Nhiều người cũng bày tỏ lo lắng, nếu tăng lương trong lúc khó khăn sẽ đặt thêm gánh nặng cho khu vực doanh nghiệp. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, riêng khu vực này chúng ta phải có lộ trình. Ví dụ, mỗi năm tăng 15%. Bây giờ DN đang khó khăn nếu điều chỉnh lương theo kiểu nào đó thì không cạnh tranh nổi. Vì không dễ gì trong một sớm, một chiều DN Việt Nam thoát ly được đặc điểm gia công, mà gia công thì tiền lương thấp.
Làm rõ hơn bản chất của việc tăng lương cơ bản, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Ở đây chúng ta tăng lương cho các cơ quan nhà nước còn doanh nghiệp trả lương theo sức lao động của người lao động thông qua quá trình thỏa thuận”
Việc bố trí ngân sách cần theo thứ tự ưu tiên, không thể dàn đều. Chính vì vậy, theo đại biểu Trần Du Lịch, riêng chi đầu tư vẫn duy trì mức như bố trí ngân sách đã nêu nhưng “Tôi đề nghị là chúng ta nên tạm “nín” những gì chưa cần đầu tư gấp, kể cả trụ sở cơ quan. Chúng ta dồn cho đường xá, giao thông, trường học nông thôn, bệnh viện quá tải…. thì mới có trách nhiệm với dân”./.