Yên Bái cấp “vé thông hành” cho cây trồng chủ lực
VOV.VN - Nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu, ngành nông nghiệp và các địa phương tỉnh Yên Bái đang tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng và coi đây là tấm “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông sản của tỉnh ra thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường quốc tế.
Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong những năm gần đây, Yên Bái đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, tạo ra nguồn nông sản dồi dào, có chất lượng. Sản phẩm nông sản của tỉnh không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ nội tỉnh, trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Từ năm 2022, ngành nông nghiệp Yên Bái đã tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng. Trong đó tập trung vào vùng trồng chè, cây đao riềng, rau an toàn… Riêng đối với cây chè, đến nay đã có 11 vùng trồng với diện tích gần 300 hecta được cấp mã số tại các địa phương như: Thị trấn Nông trường Trần Phú, Suối Giàng, Suối Bu, Đồng Khê... Sau khi được cấp mã số, tại đây đã đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.
Là một trong những hợp tác xã đi đầu trong xây dựng vùng trồng để đáp ứng các yêu cầu được cấp mã số vùng trồng, hiện nay HTX chè Khe Năm, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên đã có hàng chục ha được cấp mã số. Đây là nỗ lực lớn của những người đã dành nhiều tâm huyết với giống chè Bát Tiên.
“Bước đầu chúng tôi thấy chất lượng sản phẩm được nâng lên. Kết hợp với tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của hợp tác xã chúng tôi đưa ra thị trường được thị trường đón nhận rất là niềm nở”, ông Vũ Văn Hồng, HTX chè Khe Năm chia sẻ.
Từ năm 2008 trở lại đây, bà con nhân dân các xã, nhất là những xã dọc sông Hồng ở huyện Trấn Yên đã đưa giống đao riềng DR1 thay thế cho giống đao riềng địa phương, mở rộng diện tích trồng trên đất soi bãi, đất lúa kém hiệu quả. Đến nay, huyện đã có hàng nghìn hecta đao riềng, trong đó có gần 4.400 hecta với năng suất đạt từ 60 – 70 tấn/hecta đã được cấp mã số vùng trồng. Địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGrap, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, từ đó xây dựng thành công các sản phẩm miến đạt chất lượng OCop 3 sao.
“Bột đao ở đây không có thuốc, cho nên dân họ thích mua bột ở đây về làm miến, vì sợi miến bóng, đẹp sợi, không cần pha trộn gì mà sợi vẫn đẹp và ngon”, ông Đỗ Danh Toàn, một trong những hộ trồng đao riềng ở xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cho biết.
Yên Bái là tỉnh có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ lực như: chè, quế, măng tre Bát độ, các loại cây ăn quả…. Người dân cũng dần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô, tập trung, thay đổi phương pháp làm nông nghiệp truyền thống sang canh tác theo phương pháp Vietgrap. Đây là lợi thế để mở rộng thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu. Mặt khác, đa phần các nước như: Mỹ, Australia (Úc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… những thị trường chủ lực của nông sản Việt Nam đều đưa ra yêu cầu ngoài chất lượng thì cũng phải có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Việc cấp mã số vùng trồng chính là tấm “hộ chiếu” để đưa nông sản của Yên Bái ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, Yên Bái đã có 37 tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; 13 tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa.
“Khi vùng trồng được cấp mã số thì sản phẩm của vùng trồng đó có điều kiện thuận lợi để tham gia các thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chính ngạch. Mã số vùng trồng chính là “tấm vé thông hành” của nông sản, thời gian qua thì ngành nông nghiệp đã tích cực cấp mã số vùng trồng này cho các loại cây trồng”, ông Phạm Xuân Huy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết thêm.
Thiết lập và cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh Yên Bái đang triển khai thực hiện là yêu cầu bắt buộc của thị trường và thông lệ quốc tế, nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Cấp mã số vùng trồng cũng chính là cách mà Yên Bái nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết bền vững./.