Câu chuyện đầu tư và việc tinh gọn bộ máy
VOV.VN - Những câu chuyện Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói tại Quốc hội không dừng lại ở việc đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, mà còn đặt ra yêu cầu phải tinh gọn bộ máy.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những con số so sánh và thẳng thắn nêu quan điểm để cho chúng ta thấy cần phải có giải pháp cấp bách về hệ thống pháp luật. “Người ta chỉ mất 5 năm để xây dựng được thành phố (TP) Dubai với 500 tòa nhà, trị giá 20 tỉ USD. Còn ở ta, với một “rừng” quy định, thủ tục thì xây dựng một Dubai phải mất 1.500 năm. Tại sao người ta làm được như vậy? TP Dubai sau khi thiết kế xong, Quốc vương đến duyệt toàn bộ thiết kế chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, mỗi khách sạn 5 sao ở Việt Nam phải mất 3 năm thủ tục”. Vậy, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... chúng ta cần sửa đổi thì mới phù hợp với xu hướng phát triển, khích lệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho hay, ở Trung Quốc, xây dựng một nhà máy ô tô trị giá hơn 1 tỉ USD từ lúc cấp phép đến khi hoàn thành chỉ mất 11 tháng, xây dựng một trung tâm thương mại cả thủ tục và đến khi khởi công chỉ mất 68 ngày. Nếu Việt Nam chúng ta không đổi mới, cải cách thì chắc chắn các nhà đầu tư sẽ không đến, hoặc đến rồi lại đi. Nếu các quy định của luật, pháp luật không làm được điều này thì đất nước sẽ mất cơ hội, mất công ăn việc làm cho người dân, mất thu ngân sách nhà nước, lỡ đà phát triển...
Thủ tục rườm rà, bộ máy quản lý chồng chéo, nhiều tầng nấc là những điểm nghẽn cần khai thông để giải phóng nguồn lực đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phân cấp phân quyền triệt để hơn, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất hơn. “Thủ tục phải ngắn gọn để tiết giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, không đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư” – ông Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT viện dẫn kinh nghiệm từ một tỉnh của Trung Quốc làm được 2.000 km đường cao tốc trong 3 năm. Họ làm được là phân cấp, phân quyền “dám đầu tư - phân cấp mạnh cho địa phương - lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công”, xong rồi chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân. Trong sự phân cấp này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế, môi trường và làm rõ trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm “xin – cho”, giảm “quyền anh - quyền tôi”, giảm đùn đẩy, né tránh...
Cụ thể về thủ tục đầu tư, ông Dũng đề nghị vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) phải được tách riêng, đây là “câu chuyện rất nan giải” và cũng sẽ là một bước tiến. “Trước đây chỉ quy định 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án. Bây giờ tách ra làm 3 bước, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Như vậy, khâu GPMB nằm ở chuẩn bị dự án. Nếu tách bạch cả 3 bước, chúng ta sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Cần tách GPMB ra cho làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư. Khi làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được GPMB. Đây là một cuộc cải cách rất lớn”.
Những câu chuyện ấy không phải bây giờ mới được đề cập, nhưng lần này người đứng đầu ngành kế hoạch – đầu tư nêu ra đúng vào thời điểm cấp thiết, không thể không thay đổi. Chuyện không dừng lại ở việc phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, mà yêu cầu quan trọng, cấp thiết, phải làm song song, đó là tiếp tục tinh gọn bộ máy để thực thi có hiệu lực, hiệu quả quyết tâm chính trị, và cũng là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống ấy.
Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết của việc thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo Tổng Bí thư, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”. Tinh giản biên chế mới giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành bộ máy lớn làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Thực tiễn cho thấy việc duy trì bộ máy quản lý được thiết kế xây dựng hàng chục năm qua là không còn phù hợp với quy luật phát triển. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã và đang là giải pháp hữu hiệu cho sự cải cách đổi mới hệ thống chính trị, góp phần tạo dựng chính phủ điện tử, chính phủ thông minh, chính phủ số, chính phủ hiện đại, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo Tổng bí thư Tô Lâm, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị phải đi đôi với cơ cấu hợp lý đội ngũ cán bộ, cán bộ phải đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế sàng lọc cán bộ hiệu quả, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút sử dụng nhân tài, sử dụng người có năng lực vượt trội.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của chính phủ. Quyết tâm chính trị về cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy như vậy là đã và đang được tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ từ trên xuống.
Cho hay muôn sự tại người. Chúng ta có tháo gỡ được điểm nghẽn, có khai thông được nguồn lực đầu tư hay không, có bắt kịp đà vươn lên vững vàng trong kỷ nguyên mới này hay không, tất cả trông đợi vào bộ máy tinh - gọn – mạnh, hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả ấy.