Dinh Nhà Vương - huyền thoại ở cao nguyên đá
Dinh Nhà họ Vương - đó gần như là một địa chỉ không thể không tới đối với những người lên khám phá cao nguyên đá Đồng Văn - mảnh đất cực bắc Hà Giang
- Huyền bí rừng tràm Trà Sư
- Tàu điện Hà Nội thời Pháp thuộc
- Tên lửa S-300 của Việt Nam diễn tập tấn công
Những câu chuyện thực hư về vị “Vua Mèo” ngày càng được thêu dệt nhiều hơn, dài hơn khiến cho người ta đôi khi có cảm giác là đang lạc vào đâu đó. Ngay cả khi bước chân vào dinh nhà họ Vương, cảm giác ấy vẫn đeo đẳng…
Chuyện về ông “Vua Mèo” Vương Chính Đức kể chắc không bao giờ hết. Chuyện ông đóng cổng trời Quản Bạ để tự xưng Vương, chuyện hàng núi thuốc phiện và bạc trắng, xây dinh thự tốn một số tiền khổng lồ và những câu chuyện hoang đường ly kỳ khác xoay quanh dinh thự này…; tất cả đã là những câu chuyện của ngày hôm qua. Nhưng sự thật thì tới hôm nay, hơn trăm năm, kiến trúc này vẫn tồn tại dù qua bao thời gian, mưa nắng và chiến tranh.
Đó là một công trình đặc sắc và kỳ lạ, một sự giao thoa kiến trúc thú vị, sự hợp lưu văn hóa một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Dinh Nhà Vương không hề to lớn, hoành tráng như nhiều người tưởng tượng, thậm chí ở góc độ nào đó nó giản dị gần với kiến trúc dân gian. Đó cũng là một trong số rất ít các dinh thự ở Việt Nam có đầy đủ các chức năng: Ở, làm việc và là pháo đài quân sự phòng thủ.
Mặt bằng tổng thể kiến trúc của dinh chịu ảnh hưởng của kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc) với nhiều lớp nhà và sân trong. Có 4 lớp nhà ngang (nhà cổng, tiền dinh, trung dinh và hậu dinh) và 6 dãy nhà dọc. Tất cả các nhà ngang đều theo nguyên tắc ngoài thấp trong cao, toàn bộ dinh cao 2 tầng (1 trệt và 1 lầu.). Kết cấu khung, sàn, mái hoàn toàn bằng gỗ, nhưng điều đặc sắc là hệ tường bao che cao tới 2 tầng (trừ khối lô cốt xây bằng đá) là tường đất (tường trình) như nhà truyền thống của người Mông. Các lớp mái ngói chồng lên nhau với kiểu ngói âm dương có hình chữ Thọ. Và ở đó đã có mặt dấu ấn của kiến trúc thuộc địa Pháp rất rõ với những ô cửa sổ kính chớp.
Cấu trúc của dinh được phân bố và xử lý rất khoa học với tiền dinh là nơi tập trung các phòng làm việc hành chính, quân sự, trung dinh là khu vực ở của gia đình, hậu dinh là nơi nghỉ và làm việc của “Vua”, liền kề với hệ thống kho vũ khí và điểm phòng ngự.
Hậu dinh cũng là điểm nhấn kiến trúc cuối cùng với hai khối kiến trúc lô cốt bằng đá nhô cao hai bên, và phía trước tiền dinh là một cấu kiện kiến trúc có chất liệu khá đặc biệt và mới mẻ thời bấy giờ: lan can bằng sắt.
Bên trong bức tường đá dày có lỗ châu mai của một pháo đài kia, là gỗ, là đất, là sắt, đá…, là thời gian ẩn sâu trong những bức tường, lớp ngói. Dẫu đã từng có hoang tàn, thăng trầm thì tất cả vẫn còn đó; dẫu không vẹn nguyên thì cũng đã thi gan cùng tuế nguyệt.
Bên trong những nếp nhà tường trình kia, là những câu chuyện và số phận kỳ lạ của những con người có thật. Một “Vương Quốc” tự trị dưới chế độ phong kiến - thực dân, trải qua cách mạng dân chủ dân tộc. Người cha trấn ải biên thùy được Vua Khải Định ban tặng hoành phi “Biên Chính Khả Phong” (Tạm dịch: Sắc phong cai trị biên cương); người con đi theo cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội, được Hồ Chủ tịch tặng câu đối, nay khắc trên bia mộ trước nhà: “Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ”
Đó có thể là huyền thoại, nhưng cũng có thể là những điều thật giản dị - như cuộc sống người Mông ở vùng cao./.
Hình ảnh về Dinh Nhà Vương:
Cổng ngoài dinh và bức tường đá có lỗ châu mai |
Mặt trước dinh với khối nhà cổng |
Chi tiết hệ kết cấu gỗ ở mái cổng |
Chi tiết trang trí hoa thuốc phiện và hoa đào trên cánh cửa từ nhà cổng vào sân tiền dinh |
Mặt trước tiền dinh với tấm hoành phi vua Khải Định ban, trên đề 4 chữ: "Biên Chính Khả Phong" |
Sân trong nhìn từ tiền dinh ra phía nhà cổng |
Sân trong nhìn từ lầu tiền dinh về trung dinh |
Bàn thờ tổ tiên họ Vương ở trung dinh |
Hậu dinh, lớp nhà cuối cùng có hàng lan can sắt phía trước. Lan can sắt này được đặt hàng và chế tạo từ Pháp, chuyển về Việt Nam bằng đường biển. |
Phòng ngủ của Vương Chính Đức ở dãy nhà cánh hậu dinh |
Lô cốt, cũng là kho chứa vũ khí xây bằng đá, liền với phòng ngủ của Vương Chính Đức thông qua 1 cửa cuốn vòm. Ở lô cốt này có các cửa sổ nhỏ và lỗ châu mai |
Mặt đứng hậu dinh với 2 khối lô cốt nhô cao hai bên |
Bồn tắm sữa dê bằng đá của Vương Chính Đức |
Nắp cống bằng đá, chạm hình đồng tiền ở mặt sân |
Chi tiết trang trí hình hoa thuốc phiện trên kết cấu gỗ |
Chi tiết trang trình hình con dơi - một trong những mô típ trang trí quen thuộc của người Mông |
Mộ ông Vương Chí Thành |