Hồn nhiên những em bé vùng cao

Những đứa trẻ Hà Giang thật dễ thương và mến khách. Chúng sống mạnh khỏe, tươi đẹp như cỏ cây, hoa trái vùng núi biên cương của Tổ quốc.

Hà Giang là tỉnh miền núi phía bắc đất nước với 87% dân số là người dân tộc thiểu số. Nơi đây có 22 dân tộc thuộc 6 nhóm ngôn ngữ khác nhau, trong đó, có những dân tộc thiểu số đông nhất cả nước, nhưng cũng có những dân tộc ít người nhất nước.

Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi về cảnh đẹp hùng vĩ, hoang sơ, môi trường sống trong lành... cuộc sống của người dân nơi này còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.  Nay tuy không còn nhiều nhà có 9, 10 con như trước đây nhưng trung bình một gia đình cũng đến phải 3-4 đứa. Vì thế những đứa trẻ ở nơi đây còn chịu nhiều thiệt thòi, đời sống vật chất hết sức khó khăn. Nhiều em sau giờ học phải phụ giúp gia đình trông em, chăn trâu chăn bò, kiếm củi, lên rẫy cùng cha mẹ cuốc nương, trồng tỉa. Có em đã hơn 10 tuổi nhưng chưa có điều kiện đến trường, nhất là ở những gia đình hạ sơn. Có những gia đình con cái bước vào tuổi vị thành niên buộc phải xa rời mái trường vì chúng trở thành một lao động chính trong nhà. Nhiều trẻ phải làm những việc quá cả sức mình. Và đặc biệt, điều kiện học hành vô cùng khó khăn.

Chẳng phải học thêm hè, sau giờ học, chúng được vui chơi thỏa thích. Thiếu sân chơi, đường quốc lộ trở thành "điểm hẹn" của lũ trẻ. Chúng gặp gỡ, vui cùng nhau, hoặc chỉ đơn giản để có được với niềm vui là ngắm người qua lại, được vẫy chào những chiếc xe ô tô từ dưới xuôi đi ngang đường.

Khó khăn là vậy, nhưng những đứa trẻ vùng cao thật dễ thương và mến khách. Chúng sống mạnh khỏe, hồn nhiên như vẻ đẹp tự nhiên của cỏ cây, hoa trái vùng núi biên cương của Tổ quốc. Chúng sẽ là tươi lai tươi hồng của Hà Giang no ấm và ngày càng phát triển!

Mời các bạn cùng VOVNews gặp những em nhỏ Hà Giang:

Theo mẹ lên nương kiếm củi. Với đặc tính cần cù của phụ nữ vùng cao, người mẹ vừa đi vừa tranh thủ se sợi lanh.

Lên rừng kiếm củi giúp cha mẹ

Chăn đàn trâu cao lớn hơn bản thân là việc làm khó thể tượng tưởng với trẻ em thành phố, nhưng với những em bé vùng cao, những chú trâu này ngoan ngoãn theo cô chủ nhỏ trở về bản

Gùi ngô to hơn người.

Còn quá ít những trẻ em được vui chơi như ở trường mẫu giáo Lũng Cú thế này.

Được hưởng sản phẩm của gia đình

Vệ đường là "điểm hẹn" sân chơi của đám trẻ

Một đứa trẻ "làm xiếc" trên đỉnh Mã Pí Lèng, bên kia là vực thẳm.

Tự trông nhau là chuyện khá phổ biến ở vùng cao Hà Giang. Nhà nghèo, cậu anh cả đã hơn 10 tuổi mà chưa đi học

Em thích làm công chúa cơ...

Đá gắn liền với cuộc sống của người dân Đồng Văn. Họ sống trên đá, trồng ngô trên đá, nhà làm bằng đá. Những tảng đá ven đường cũng trở thành nơi vui chơi của trẻ.

Hiếm khi được chụp ảnh cùng chú phóng viên nhà Đài!

Những đứa bé thì núp sát mẹ khi thấy người lạ.

Bố mẹ bận mưu sinh, nhà nào may mắn có bà là bảo mẫu phụ giúp.

Ông cũng là "bạn" của cháu.

Cả cụ cũng được "điều động" bế em
 
Dì bế cháu giúp mẹ bé dọn đồ ăn cho khách

Mặt trời của chị em ngồi sau lưng...

Anh trai cả thay mẹ chăm em.

Mẹ bận, bé tự chơi một mình

3 chị em của một gia đình người Mông hạ sơn xuống thị trấn Mèo Vạc. Cũng dạy sớm cùng cha mẹ, chúng tự chơi với nhau trước nhà mình

Chúng thích được "tắm tiên" giữa trưa nắng từ vòi nước bên đường. Và cũng xấu hổ khi người lạ đến làm quen, chụp ảnh

Hồn nhiên tạo dáng và ríu rít hò reo, vẫy tay chào khách rất thân thiện khi có xe ô tô chạy qua.

Bé thật trong trẻo, thơ ngây. Chúng là tương lai tươi hồng của cao nguyên đá Đồng Văn
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên