Thảm án tại Hải Dương: Trách nhiệm thuộc về ai?
VOV.VN - Tâm lý của trẻ có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ thiếu sự quan tâm, gần gũi và thông cảm cho chúng.
Nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV và Nhà tâm lý học Nguyễn Lâm Thúy
Dư luận toàn xã hội đã vô cùng sốc và căm phẫn trước vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra tại xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương khi đối tượng 21 tuổi lạnh lùng sát hại 4 người trong 1 gia đình gồm bà, bố mẹ và chị họ.
Nguyên nhân ban đầu được cơ quan công an cung cấp là trước khi xảy ra án mạng, đối tượng đã có thời gian chơi trò chơi điện tử kéo dài. Từ vụ án kinh hoàng này cho thấy, sự xuống cấp của đạo đức xã hội đáng báo động trong giới trẻ với hành vi rất dã man, tàn bạo.
Để con trẻ nghiện game, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc cha mẹ (Ảnh: KT)
Rất nhiều trẻ bỏ học vì ham chơi, phải nhập viện vì cai nghiện, gia đình tan nát cũng chỉ vì con nghiện game online. Theo các nhà tâm lý học, để con cái nghiện game, chìm đắm trong thế giới ảo, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc cha mẹ.
PV VOV đã có cuộc trao đổi với Nhà tâm lý học Nguyễn Lâm Thúy về vấn đề này.
PV: Đâu là nguyên nhân chính trẻ nghiện chơi game trên mạng internet, một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay, thưa bà?
Bà Nguyễn Lâm Thúy: Nguyên nhân chính khiến trẻ nghiện chơi game trên internet là do đặc điểm bẩm sinh di truyền. Những trẻ nghiện game thông thường có khả năng tưởng tượng phong phú, có khái niệm không gian rất nhạy, do vậy các trò chơi game rất hấp dẫn đối với trẻ. Do vậy những trẻ này trên lớp học tập khá khó khăn, chán học, dẫn đến việc trốn học ra quán game, càng chơi càng nghiện. Bên cạnh đó, những nội dung trong các trò chơi game, nhất là game có tính chất bạo lực lại rất có sức hút đối với những trẻ này.
Đối với nguyên nhân về gia đình, theo tôi, gia đình nào hạnh phúc, có nhiều hoạt động chung, không khí vui vẻ thì sẽ giúp trẻ gắn bó nhiều với gia đình hơn, trẻ sẽ có tâm lý thoải mái, vui vẻ và chia sẻ được nhiều điều với cha mẹ. Còn với những gia đình không hạnh phúc, đứa trẻ dường như cảm thấy bị bỏ rơi và rồi tìm đến với game để giải trí.
PV: Thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ án mạng bắt nguồn từ nguyên nhân trẻ bị nghiện game bạo lực. Sau vụ án mạng kinh hoàng tại Hải Dương vừa qua, theo bà, gia đình có vai trò như thế nào trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân, đặc biệt là đối với trẻ và nhóm đối tượng vị thành niên?
Bà Nguyễn Lâm Thúy: Đối với việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, có hai yếu tố cơ bản: một là yếu tố bẩm sinh di truyền, hai là yếu tố môi trường, trong đó có yếu tố gia đình. Gia đình tạo ra môi trường vui vẻ, hạnh phúc thì con cái cũng sẽ vui vẻ, hạnh phúc. Ngược lại, trong gia đình có hành vi bạo lực, hoặc cãi vã thường xuyên cũng có thể khiến con trẻ bị ảnh hưởng. Quan trọng nhất, tâm lý của trẻ có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ thiếu sự quan tâm, gần gũi để hiểu được những áp lực, tâm tư của con trẻ.
Trong trường hợp ở Hải Dương, theo tôi, cậu bé này có quá nhiều áp lực trong cuộc sống mà không chia sẻ được với ai và những áp lực này bị dồn nén lâu ngày, đến thời điểm đó bùng phát lên thành những hành động bất thường, chứ không phải cháu bị tâm thần. Còn về phía gia đình lại hay trì chiết, mắng mỏ khiến cháu dần có suy nghĩ căm hận những người thân của mình.
PV: Bà có lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ trong việc quản lý, dạy dỗ con cái để hạn chế những vụ án rúng động xã hội như thời gian vừa qua?
Bà Nguyễn Lâm Thúy: Các gia đình cần phải chú ý lắng nghe con cái, tôn trọng, cảm thông với con cái. Không phải chỉ mỗi bố mẹ muốn con cái thành công mà chính trẻ cũng muốn vậy, chỉ có điều ắt hẳn phải có lý do khiến trẻ không làm được điều đó. Người lớn thường không đủ cảm thông, chỉ muốn đòi hỏi, gây áp lực cho trẻ. Đến một thời điểm nào đấy, những áp lực bị tích tụ lâu ngày sẽ bùng nổ, gây ra những sự việc đau lòng.
PV: Bà có thể lưu ý thêm về những dấu hiệu cho thấy con trẻ bị trầm cảm hoặc bị bệnh tâm thần dẫn đến những hành động không thể kiểm soát?
Bà Nguyễn Lâm Thúy: Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ bị áp lực thường là chúng không nói năng gì, bố mẹ nói gì chúng cũng ngồi yên, không phản ứng do trước đó chúng thấy rằng bố mẹ có xu hướng áp đặt, không chấp nhận lời giải thích hay phản ứng của trẻ. Trẻ từ đó sẽ thích sống riêng trong thế giới của mình, không giao tiếp với bố mẹ.
Phần lớn chúng ta sẽ nhìn thấy ngay sự chống đối bố mẹ thông qua việc không hợp tác, không chia sẻ, trò chuyện với bố mẹ. Cũng có rất nhiều trẻ bị áp lực dẫn tới có những hành động tự làm đau bản thân như rạch tay, rạch chân,…
Các bậc cha mẹ cần phải để ý các tín hiệu đó và nhìn nhận lại bản thân, cho con cảm giác an toàn để có thể chia sẻ những khó khăn của mình cho cha mẹ.
PV: Xin cảm ơn bà!./.