Chất cổ truyền trong âm nhạc Minh Khang
Công chúng biết tới ông qua những ca khúc được yêu mến một thời như: “Bản tình ca nơi biên cương”, “Hỡi em cô gái AYUNPA”, “Trăng hạ huyền”, “Lời của biển”…
Nghe nội dung cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Minh Khang |
Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp sáng tác, đào tạo và nghiên cứu âm nhạc GS. TS, Nhà giáo nhân dân Phạm Minh Khang đã có nhiều sáng tác nổi tiếng và đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam.
Cổ truyền và hội nhập
PV: Hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nghệ thuật âm nhạc nhưng đâu là con đường đầu tiên đã đưa ông đến với âm nhạc?
GS. TS Phạm Minh Khang: Âm nhạc dân gian đã đưa tôi đến với âm nhạc. Ngày thơ ấu sống ở nông thôn, tôi đã được xem rất nhiều đêm diễn chèo, những làn điệu dân ca… Nó thấm vào trong tôi lúc nào không biết. Trước hết là lòng yêu mến nền dân ca của dân tộc, thứ hai là ước muốn được đóng góp để phát triển nền âm nhạc dân gian đó.
Trong chuyên ngành lý luận âm nhạc, tôi quan tâm hàng đầu tới âm nhạc dân ca, âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu kết hợp giữa âm nhạc bác học phương Tây với âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam thì sẽ có tầm nhìn vững vàng, toàn diện hơn ở nhiều góc độ.
Trong những sáng tác của tôi, kể cả giao hưởng hay là bản sonat, hoặc đơn giản như tiết tấu trong những ca khúc, tôi luôn quan tâm thêm vào đó chất liệu âm nhạc dân gian của một vùng miền, tộc người nào đó.
Bản tình ca nơi biên cương Hỡi em cô gái AYUNPA |
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, âm nhạc thế giới đã phát triển rất nhanh và xa nhưng trong một số những cơ sở đào tạo âm nhạc của ta vẫn dạy theo phương pháp cũ, giáo trình lại lạc hậu so với thế giới. Ông có nghĩ vậy không?
GS. TS Phạm Minh Khang: Quả thật, nền âm nhạc thế giới phát triển cách chúng ta mấy trăm năm. Trên thế giới, chương trình sách giáo khoa đã thay đổi, rất nhiều thông tin mang tính cập nhật hơn. Tôi có thể gọi đấy là sự hội nhập giữa quan niệm trước đây với quan niệm đương đại.
Còn ở Việt Nam, chúng ta vẫn giảng dạy và viết sách dựa theo giáo trình nước ngoài. Hiện nay, trong các nhạc viện, các trường nghệ thuật cũng đã bước đầu có những suy nghĩ về việc đổi mới vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng ta bổ sung, cập nhật những cái mới, phù hợp với tình hình hiện tại với một góc nhìn đa dạng hơn. Cũng giống các ngành khoa học khác, chúng ta phải kế thừa những giá trị âm nhạc cha ông ta tạo ra. Tôi nghĩ rằng, đó là việc mà các nhạc viện, các trường văn hóa nghệ thuật đang làm. Còn tất nhiên, đạt đến mức độ nào thì còn phải xem kết quả của sự thể nghiệm đó.
PV: Hơn 40 năm làm công tác đào tạo âm nhạc, là một người thầy luôn tận tâm với nghề, với học trò, theo ông điều gì là quan trọng nhất đối với một người thầy? Ông thường khuyên học trò của mình điều gì?
GS. TS Phạm Minh Khang: Trong giảng dạy, sự nghiệp đào tạo trồng người của mình, tôi luôn đặt đạo đức và nhân cách người thầy lên hàng đầu. Người thầy phải là tấm gương tốt để học sinh noi theo. Đối với các em, mình phải có cái tâm, tình thương. Ngoài trang bị kiến thức cho các em, người thầy còn còn dạy các em lẽ sống, cách sống; phải lấy cái đức để làm nghề; nhân ái, thương yêu và giúp đỡ mọi người.
PV: Giảng dạy nhiều thế hệ học trò trong cả hai chuyên ngành Sáng tác và Lý luận, ông nhận xét như thế nào về thế hệ học trò ngày nay?
GS. TS Phạm Minh Khang: Không chỉ riêng cá nhân mà tất cả chúng tôi đều trăn trở vì có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến quan niệm của học sinh, sinh viên bây giờ. Nó khác nhiều so với các thế hệ trước đây. Vậy, phải làm thế nào dung hòa nhận thức trước đây với nhận thức bây giờ? Làm thế nào để tìm được tiếng nói chung?
Học sinh, sinh viên bây giờ rất thông minh. Họ có nhiều thông tin, khả năng sáng tạo, nhưng họ thiếu đi nền tảng cơ sở, truyền thống văn hóa. Cho nên, nếu chúng ta biết kết hợp, giáo dục cho các em trân trọng, biết bảo tồn và phát huy những giá trị của quá khứ, kết hợp khoa học với đời sống ngôn ngữ hiện tại thì tôi nghĩ đấy là một con đường âm nhạc đúng đắn.
Bảo tồn trong lòng quần chúng
PV: Hiện là Giám đốc Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN, nhạc sĩ có thể cho biết trung tâm đã làm được những gì để quảng bá âm nhạc?
GS. TS Phạm Minh Khang: Việc thành lập trung tâm này là ước muốn từ lâu của tôi. Đầu tiên là có một nơi để nghiên cứu về dân tộc nhạc học; thứ hai là nhằm khôi phục, bảo tồn vốn âm nhạc cổ truyền đã bị thất truyền. Chúng tôi đã đi đến các vùng miền để sưu tầm những bản nhạc cũ để phát triển, chỉnh chu lại thành những chương trình biểu diễn trong nước và nước ngoài. Chúng tôi đã trình diễn cac tiết mục này trước đông đảo người dân ở phố đi bộ, trẻ em khuyết tật, người già cao tuổi, sinh viên các trường đại học… được mọi người khen ngợi và đánh giá rất cao.
Trong nhiều năm nay chúng tôi đã mở những lớp đào tạo âm nhạc miễn phí cho quần chúng đến học hát xẩm, hát chèo, hát trống quân… Chúng tôi liên kết với học viện âm nhạc Huế đào tạo âm nhạc di sản cho học sinh.
PV: Trong việc truyền bá, phổ biến âm nhạc dân gian cổ truyền tới giới trẻ, Trung tâm gặp phải những khó khăn gì, thưa nhạc sĩ?
GS. TS Phạm Minh Khang: Lúc đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì đơn giản là họ không hiểu về âm nhạc cổ truyền. Nhưng dần dần, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm của người dân.
Ở các buổi biểu diễn trên phố đi bộ, sinh viên đến rất đông. Các em nói với tôi rằng: Thế hệ cha ông cứ nói họ quên quá khứ, không trân trọng âm nhạc dân tộc, nhưng kỳ thực là bọn họ không được học, không hiểu được nền âm nhạc đó. Có rất nhiều người đến hẳn Trung tâm để học đánh đàn nguyệt, hát xẩm… Đó là một kết quả mà chúng tôi không thể nào nghĩ tới.
PV: Điều mà ông luôn tâm niệm trong cuộc sống?
GS. TS Phạm Minh Khang: Điều tôi tâm niệm là tất cả những nghiên cứu, những sáng tác, những vấn đề giảng dạy là vốn quý cuộc đời của mình. Thế nhưng, quỹ thời gian của con người có hạn, ước muốn thì rất nhiều nhưng chưa làm được mấy. Âm nhạc nghệ thuật hiện nay phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường thì mình phải làm cái gì? Cả cuộc đời của mình lặn lội để tìm kiếm, chắt lọc ra những kết quả âm nhạc, nó phải phục vụ cho đất nước, cho nhân dân… Đấy là mong muốn của tôi.
PV: Xin cám ơn nhạc sĩ./.