Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện 2 nhà hỏa táng ở Bình Thuận

VOV.VN - Dự án đầu tư xây dựng 2 nhà hỏa táng điện cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Thuận do Trung ương hỗ trợ còn nhiều khó khăn vướng mắc, đồng thời các địa phương được giao chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

 

Chủ trương hợp lòng dân

Trong những ngày qua, tại các làng Chăm ở Bình Thuận, người dân bàn tán nhiều về chuyện Nhà nước chuẩn bị làm nhà hoả táng bằng điện đặt tại 2 huyện Bắc Bình và Tuy Phong. 

Ông Ức Viết Vòng, ngụ xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là chủ trương rất hợp với lòng dân, đặc biệt đối với người Chăm theo đạo Bàlamôn, vì theo phong tục, khi chết đi thường hoả táng.

"Đây là điều kiện rất tốt, mang lại nhiều lợi ích trong tương lai, mà cụ thể giúp cho đồng bào Chăm đỡ lo toan hơn trong việc làm ma chay, hoả táng, phải đi tìm cây rừng, chặt củi đốt. Đây cũng là điều kiện góp phần  giảm chi phí tang ma của đồng bào", ông Ức Viết Vòng chia sẻ.

Là một người Chăm theo đạo Bàlamôn, ông Lư Quốc Thiện, ngụ xã Phan Hiêp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận chia sẻ: "Phong tục hoả táng của người Chăm theo tôi gây nhiều hệ luỵ, thứ nhất về môi trường, thứ hai là nó lộ thiên, gây sự phản cảm trong xã hội, đến cộng đồng. Theo tôi, Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng lò hoả táng theo đúng phong tục tập quán người Chăm thì đó như là món quà mà Đảng và Nhà nước tặng cho cộng đồng Chăm, vì vậy tôi rất hoan nghênh".

Để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, ngày 02/8/2022, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành kế hoạch số 2481 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.  

Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Đến nay 2 địa phương được giao dự án gồm huyện Tuy Phong và Bắc Bình đã phối hợp Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện khảo sát các địa điểm xây dựng, tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến nhân dân, đi học tập kinh nghiệm thực hiện dự án ở các tỉnh bạn về mô hình thiết kế...

Theo kế hoạch dự kiến, dự án nhà hoả táng đặt tại huyện Tuy Phong sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trước năm 2025. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, đây là nội dung mới, đòi hỏi công nghệ cao và phức tạp, trong khi các huyện được giao dự án chưa có kinh nghiệm trong triển khai lĩnh vực này, nên trong quá trình lập hồ sơ dự án cũng có những khó khăn. 

Ông Nguyễn Văn Đảo, chuyên viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết thêm: "Từ trước tới nay, Ban chưa thực hiện dự án tương tự như thế này, nó khác với các công trình khác, do đó trong quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn. Thứ hai dự án này vị trí chọn lại nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 1277 ngày 1/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, do đó Ban đang triển khai lựa chọn nhà thầu để đánh giá trữ lượng khoáng sản theo đúng quy định".

Còn tại huyện Bắc Bình hiện vẫn chưa thống nhất địa điểm triển khai xây dựng dự án. Theo báo cáo của địa phương, vị trí xây dựng nhà hoả táng tại khu đất (diện tích hơn 2.196 m2) thuộc thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, là đất 5% do xã quản lý. Trong đó, có hiện trạng 312m2  đã san nền bê tông xi măng nhằm phục vụ thực hiện việc hỏa táng cho nhân dân thôn Tịnh Mỹ theo phong tục truyền thống của người Chăm theo đạo Bàlamôn; phần còn lại hơn 1.922m2 xã tạm giao cho Ban phong tục hỏa táng thôn Tịnh Mỹ sử dụng để trồng lúa. Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 của huyện Bắc Bình, toàn bộ diện tích đất (hơn 2.196m2) được quy hoạch là đất nghĩa trang (nhà hỏa táng). 

Ông Nguyễn Mậu Hầu, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, trong năm 2024 dự án nhà hỏa táng sẽ được tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng. Trong quá trình thực hiện dự án cũng còn vướng mắc.

"Trước đây đề án mình xin chủ trương là nhà hoả táng bằng điện, tuy nhiên qua thực tế tham khảo học tập tại các tỉnh miền Tây thì nó là nhà hoả táng kết hợp giữa điện và ga (đốt bằng ga, điều khiển bằng điện). Đốt bằng điện chi phí cao, chi phí cao không đảm bảo cho người dân tham gia vào hoả táng", ông Nguyễn Mậu Hầu cho hay.

Ngoài những khó khăn nêu trên, hạ tầng phục vụ vận hành dự án nhà hỏa táng điện cũng phải được quan tâm như: đường vào nhà hỏa táng, hệ thống cấp nước và bể chứa nước thải, cùng với đó là hệ thống điện nguồn để phục vụ trong quá trình vận hành nhà hoả táng. Để dự án sớm hoàn thành cũng cần sự đồng tình nhất trí cao từ phía nhân dân. 

Việc xây dựng nhà hoả táng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và miền núi là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc làm này phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo môi trường, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiền Giang dồn lực đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất
Tiền Giang dồn lực đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất

VOV.VN - Cùng với công tác ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, thì công tác tạo nguồn, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất của người dân và doanh nghiệp trong cao điểm hạn mặn đang được các ngành, các cấp ở tỉnh Tiền Giang thực hiện khẩn trương và quyết liệt.

Tiền Giang dồn lực đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất

Tiền Giang dồn lực đưa nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất

VOV.VN - Cùng với công tác ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, thì công tác tạo nguồn, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất của người dân và doanh nghiệp trong cao điểm hạn mặn đang được các ngành, các cấp ở tỉnh Tiền Giang thực hiện khẩn trương và quyết liệt.

Nhiều cuộc đời đổi thay nhờ chính sách dân tộc
Nhiều cuộc đời đổi thay nhờ chính sách dân tộc

VOV.VN - 200 đại biểu tiêu biểu đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP.HCM đã dự buổi họp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024, chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 – 03/02/2024) diễn ra chiều 21/2 tại TP.HCM, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức.

Nhiều cuộc đời đổi thay nhờ chính sách dân tộc

Nhiều cuộc đời đổi thay nhờ chính sách dân tộc

VOV.VN - 200 đại biểu tiêu biểu đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP.HCM đã dự buổi họp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024, chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 – 03/02/2024) diễn ra chiều 21/2 tại TP.HCM, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức.