Nhiều cuộc đời đổi thay nhờ chính sách dân tộc
VOV.VN - 200 đại biểu tiêu biểu đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP.HCM đã dự buổi họp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024, chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 – 03/02/2024) diễn ra chiều 21/2 tại TP.HCM, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức.
Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP.HCM Nguyễn Thành Trung cho biết, năm 2023, thành phố tiếp tục quan tâm, làm tốt chính sách dân tộc, thường xuyên chăm lo việc làm, đào tạo nghề, trợ vốn, thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp; sửa chữa 72 căn nhà tình thương; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho hàng trăm trường hợp. Đồng thời hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; miễn học phí cho học sinh dân tộc Chăm và Khmer với kinh phí gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 50 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc gần 500 triệu đồng...
Theo ông Nguyễn Thành Trung, buổi họp mặt đầu Xuân là hoạt động rất ý nghĩa: "Thành phố có nhiều sự quan tâm, chăm lo, động viên đến đồng bào. Nhân dịp đầu xuân, lãnh đạo thành phố có buổi họp mặt để gặp gỡ, cảm ơn, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có nhiều đóng góp trong nhiều năm qua. Đặc biệt là năm 2023 tuy còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào đã đoàn kết, nỗ lực, tự mình vươn lên, đóng góp vào sự ổn định, phát triển chung của thành phố trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội".
Bên cạnh việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, TP.HCM cũng luôn quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần quan trọng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Hứa SaNi, Phó Trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, đại diện đồng bào dân tộc Khmer cho biết, bà con rất phấn khởi khi năm 2023, lần đầu tiên Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer được tổ chức. Cuộc thi được sự quan tâm của hàng chục ngàn người dân theo dõi, cổ vũ nhiệt tình trên suốt chặng đường đua. TP.HCM cũng thực hiện tốt các giải pháp bảo tồn và giữ gìn tiếng nói, chữ viết của người Khmer; hỗ trợ đưa người lao động là đồng bào dân tộc Khmer đi làm việc ở nước ngoài; tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ 60% mức lương cơ sở cho đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số và các cơ sở giảng dạy tiếng dân tộc Khmer.
“Những điều này càng làm cho chúng tôi tự hào khi được sống, học tập, làm việc, cống hiến cho thành phố”, ông Hứa Sa Ni khẳng định như vậy. Ông cũng kiến nghị thành phố phối kết hợp với 2 ngôi chùa Khmer tại Quận 3 và quận Tân Bình nhằm khai thác, tổ chức các hoạt động gắn với du lịch.
Dự họp mặt, ông Res A Bidine, Trưởng Ban quản trị Thánh đường Mubarak của đồng bào Chăm ở Phường 2, Quận 8 cho biết: những năm qua bà con dân tộc Chăm luôn được sự quan tâm giúp đỡ của ban, ngành đoàn thể các cấp của Thành phố về an sinh xã hội, xây nhà tình thương, cấp học bổng cho học sinh, chắp cánh ước mơ cho con em dân tộc Chăm.
Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Res A Bidine tâm niệm mình sẽ là “cầu nối” giữa chính quyền và đồng bào dân tộc Chăm tại Thành phố: "Bản thân là người có uy tín trong cộng đồng và là đảng viên, tôi vận động tín đồ chấp hành theo đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, bà con được hỗ trợ nhà tình thương, an sinh xã hội. Đặc biệt là từ những suất học bổng đã chắp cánh ước mơ cho cả một thế hệ con em chúng tôi, từ một dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, đến nay có người làm bác sĩ, có em học Cao học và có người trở thành giáo viên đứng lớp".
Chiếm số lượng đông nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở TP.HCM là bà con dân tộc Hoa, tập trung chủ yếu ở khu vực Chợ Lớn (gồm các quận: 5, 6, 10, 11, Tân Bình). Thời gian gần đây, số đồng bào dân tộc Hoa có xu hướng tăng dần ở các quận: 8, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh.
Tại TP.HCM, hoạt động kinh tế của đồng bào dân tộc Hoa khá năng động. Các doanh nghiệp của người Hoa chiếm khoảng 30%, có nhiều đóng góp đáng ghi nhận cho sự tăng trưởng của TP, là cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với một số quốc gia.
Hiện TP.HCM có gần 20 công trình được xếp hạng di tích có liên quan đến cộng đồng người Hoa (chiếm 13,3%), trong đó có 16 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp Thành phố. Đồng bào dân tộc Hoa chủ yếu theo tín ngưỡng dân gian, gắn bó với các tổ chức hội quán, đền thờ họ… cho nên hàng năm ủng hộ hàng tỷ đồng cho hoạt động từ thiện xã hội, văn hóa, giáo dục.
Phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, chính quyền TP.HCM, ông Vương Bái Xuyên, nguyên Chánh Văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú, đại biểu dân tộc Hoa cho rằng bà con các dân tộc, nhất là đồng bào người Hoa ở Thành phố rất yên tâm phát huy tiềm lực, tham gia xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn: "Người Hoa ở TP.HCM cũng như các dân tộc khác cùng phát triển, thấy Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Cho nên đồng bào dân tộc Hoa sẵn có kinh tế ở trong nước và có mối quan hệ với đối tác nước ngoài đang góp sức xây dựng TP chúng ta ngày càng giàu đẹp, xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn".