Phát thanh đặc biệt kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris
(VOV) - Chương trình phát thanh đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2013).
Phần I:
“Con đường dẫn tới hòa đàm” điểm các mốc lịch sử, các chiến thắng quan trọng từ năm 1965 đến năm 1972. Những thắng lợi cả trên mặt trận quân sự và ngoại giao đã buộc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris.
Lịch sử của dân tộc Việt nam ta luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, với tinh thần “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”; với nghệ thuật “đánh” và “đàm”; với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
Các khách mời đồng hành cùng chương trình Phát thanh đặc biệt của Đài TNVN ở Phần I |
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử của cha ông chống giặc ngoại xâm, Việt Nam ta, “tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau” nhưng cuối cùng, bằng nỗ lực, bằng máu xương và trí tuệ của cả một dân tộc, đã đập tan ý chí của quân xâm lược đem lại hòa bình cho đất nước.
Dân tộc Việt Nam khao khát hòa bình, sống hòa hiếu với mọi quốc gia. Nhưng một khi phải đối mặt với kẻ thù xâm lược hung bạo, con đường duy nhất đúng đắn mà ông cha ta lựa chọn chính là đứng lên cầm vũ khí. Chừng nào độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước chưa được trọn vẹn, chừng đó nhân dân ta không thể buông vũ khí.
GS, NGND Vũ Dương Ninh phân tích về tư tưởng chủ đạo của cha ông ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Trong sử sách cũng đã ghi lại: Nghệ thuật “đánh” và “đàm” cũng đã được đức Lê Lợi và Nguyễn Trãi vận dụng rất tài tình trong mười năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm. PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích dưới góc độ quân sự cùng thính giả của Đài TNVN.
|
Tiếp nối lịch sử dân tộc, trong cuộc chiến với thực dân Pháp, Việt nam đã chủ động đàm phán để ngăn chặn cuộc chiến tranh có thể xảy ra. Khi “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, giặc Pháp càng lấn tới, gây hấn, thì chúng ta vẫn hòa hoãn nhằm kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi. Lúc ấy, thực dân Pháp mạnh hơn chúng ta.
Cho dù Hội nghị trù bị Đà Lạt rồi Hội nghị Fontainebleau đều không đạt kết quả như mong đợi, nhưng Hiệp định sơ bộ được ký kết ngày mồng 6 tháng 3, Tạm ước 14 tháng 9 năm 1946 được đánh giá là những sáng tạo thiên tài của chủ tịch Hồ Chí Minh, kéo dài thời gian quý báu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Tuy nhiên, người Pháp không dễ dàng từ bỏ Đông Dương và ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc chiến Việt nam– Pháp bùng nổ. Sau nhiều năm thất bại trong việc thôn tính Việt nam, đặc biệt là sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp đã phải cay đắng chịu thất bại. Hiệp định Geneve được ký kết, mang lại hòa bình cho Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, chuyên gia nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và GS, NGND Vũ Dương Ninh, nguyên chủ nhiệm khoa Quốc tế học, Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế đồng hành, trả lời các câu hỏi trong phần: "Con đường dẫn tới hòa đàm" |
Ngay sau khi tuyên bố Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát những nguyên tắc được coi là cơ sở của đường lối đối ngoại của nước Việt Nam mới, trong Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945:
GS Vũ Dương Ninh khái quát tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh hi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ mới ra đời.
Ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp, đưa quân vào Miền Nam Việt Nam. Năm 1965, Mỹ đã đưa cuộc “chiến tranh cục bộ” lên mức cao nhất. PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích cho khán thính giả nghe đài về tính toán của Mỹ khi thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ tại Việt Nam.
Phần II: "Đấu trí trên bàn đàm phán"
Để có được sự bình yên trên những con phố nhỏ, để những người dân có giấc ngủ thanh bình. Và để có được một Điện Biên Phủ trên không lững lẫy thì ngoài sự hy sinh, mất mát của những chiến sĩ trên chiến trường, còn có sự đóng góp của những chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao. Nghệ thuật tài tình trên chiến trường cộng với sự khéo léo tài trí trên bàn đàm phán là những nước cờ độc đáo làm nên chiến thắng lịch sử. Và đúng như Bác Hồ đã từng nói “Mỹ nhất định thua, nhưng chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”. Cách đánh, đàm ấy đã được nâng lên một tầm cao mới, tầm cao của trí tuệ.
Nhà ngoại giao Phạm Ngạc (trái), nguyên Đại sứ, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên chuyên viên đoàn đàm phán và Nhà ngoại giao Phan Doãn Nam, nguyên Trợ lý Bộ trưởng BNG, nguyên chuyên viên vụ I, Chuyên viên Đoàn đồng hành cùng chương trình trong Phần II: “Đấu trí trên bàn đàm phán”. |
Bắt đầu từ 13/5/1968 và kết thúc vào ngày 27/1/1973, Hội nghị Pari được coi là cuộc đối đầu giữa hai nền ngoại giao với một bên là nền ngoại giao nhà nghề, lâu đời của một siêu cường với chính sách đàm phán trên thế mạnh, được ví là “Củ cà rốt đi liền với cái gậy”; một bên là nền ngoại giao non trẻ với chính sách ngoại giao nhân văn, dựa vào đạo lí và thế chính nghĩa. Tuy nhiên, cuộc chiến nào cũng phải đi tới hồi kết. Sau một thời gian bền bỉ với phong cách vừa đánh vừa đàm, đây là nghệ thuật đánh đàm làm an lòng nước lớn, cách mà Lý Thường Kiệt hay vua Quang Trung đã từng áp dụng.
|
Đến giữa năm 1972, sau cuộc tổng tấn công Xuân – Hè 1972, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình, thấy so sánh lực lượng ít nhiều có lợi cho ta, khi mưu đồ“Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ thất bại. Tổng thống Mỹ Nixon muốn có thắng lợi ngoại giao để được tái đắc cử, trong khi xu thế quốc tế đi vào hòa hoãn mạnh. Tình hình này tạo cho Việt Nam điều kiện và thời cơ để ép Mỹ chấp nhận một giải pháp đáp ứng yêu cầu của ta để kết thúc chiến tranh. Một cuộc đấu trí thực chất đã diễn ra. Trong giai đoạn này, có những lúc tưởng chừng hòa bình đã ở đầu ngọn bút. Thế nhưng, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.
Sau một thời gian dài đàm phán song phương Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Mỹ từ ngày 13-5-1968 đến 31/10/1968 đưa đến việc ngừng ném bom vô điều kiện trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi đàm phán 4 bên giằng co kéo dài từ đầu năm 1969 đến giữa 1972. Hội nghị gồm 4 bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa là diễn đàn công khai song song với cuộc đàm phán bước một giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ. Những cuộc đấu trí, sự gằng co giữa hai bên trên từng quan điểm, thậm chí từng câu, từng chữ.
Ông Phan Doãn Nam, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chuyên viên vụ I, chuyên viên Đoàn đàm phán và ông Phạm Ngạc, nguyên Đại sứ, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên chuyên viên đoàn đàm phán chia sẻ với khán thính giả nhiều chi tiết trên bàn đàm phán thời gian này.
Phần III: "Bài học đối thoại, hòa bình và hòa hợp"
Cuộc đàm phán ở Paris là sự kết hợp nhiều hình thức đấu tranh phong phú, bao gồm đấu tranh trong các phiên họp công khai, đàm phán trong các cuộc gặp riêng, đấu tranh trong các cuộc họp báo và đấu tranh bằng cách vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, các đoàn thể, nhân dân thế giới. Làm nên chiến thắng trên bàn đàm phán Paris ngày 27/01/1973 không thể không nhắc đến sức mạnh của ngoại giao nhân dân.
PGS-TS Vũ Dương Huân (trái) và Nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi |
Ngoại giao nhân dân đã trở thành một mũi tấn công nòng cốt, vô cùng lợi hại. Nếu như trong những năm đánh Mỹ, mỗi người dân Việt Nam là một nhà ngoại giao tố cáo chân thực nhất tội ác của đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn, làm cho nhân dân toàn thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, thì nay, sau khi Hiệp định Pari thành công, vai trò ngoại giao nhân dân của mỗi công dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, trong xu thế hòa bình, đối thoại và mở rộng hợp tác quốc tế hiện nay.
Ngoại giao Việt Nam đại thắng trên bàn đàm phán, Hiệp định Paris được ký kết đã góp phần quan trọng “đánh cho Mỹ cút” để dẫn tới “đánh cho Ngụy nhào” với đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Và sau 40 năm Hiệp định Pari được ký kết, Việt Nam ngày nay được thế giới nhìn nhận là một quốc gia phát triển năng động; là đất nước thanh bình, tươi đẹp, an toàn và hiếu khách; và là điểm đến an toàn của rất nhiều du khách quốc tế, trong đó có các nhà lãnh đạo trên thế giới.
|
Như vậy là chúng ta, những công dân Việt Nam- những người có thể thở thành nhà ngoại giao nhân dân- có thể hiểu một cách giản dị là: Điều gì có lợi cho đất nước thì nên làm, điều gì có hại thì không nên.
Hôm nay, người Việt Nam ta đang tỏa đi khắp thế giới, có mặt khắp năm châu bốn biển. Đó không chỉ là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đó còn là những lao động xuất khẩu, là du học sinh, là những ngư dân lao động trên biển cả. Đó còn là những người dân bình thường đã , đang và sẽ tiếp xúc với người nước ngoài.
Ông Lưu Văn Lợi- Nhà ngoại giao, thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tham gia đàm phán Hiệp định Pari 1973 và PGS-TS Vũ Dương Huân- Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao- Nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao- Bộ Ngoại giao cung cấp nhiều thông tin tới khán thính giả về những vấn đề này.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ cảm nhận của một nhà ngoại giao kỳ cựu về sự kiện Hiệp định Paris.
40 năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris, Việt Nam hiện nay có quan hệ ngoại giao với 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, là đối tác bình đẳng với nhiều nước lớn, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức hợp tác đa phương. Việt Nam và Mỹ cũng đã bình thường hóa quan hệ và đang tiến những bước dài trên con đường hợp tác. Những bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris năm nào vẫn còn nguyên giá trị thời sự, luôn được các thế hệ sau tiếp nối, phát huy, chắt lọc và hình thành tư tưởng ngoại giao hòa bình, hữu nghị trong điều kiện mới./.