Ấm áp xuân quê hương
Trong không khí tất bật, rộn ràng của đón năm mới, những ngày này, đông đảo kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đang hối hả trở về Việt Nam để vui Tết cổ truyền cùng gia đình, người thân, bạn bè.
Tại buổi họp mặt kiều bào đón Xuân Canh Dần do UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Nguyên, là Việt kiều Mỹ, khi ông đang chăm chú ngắm nhìn những bức ảnh triển lãm về thành tựu kinh tế-xã hội của thành phố đã đạt được trong năm qua. Định cư ở Mỹ hơn 28 năm, gần một năm rưỡi qua ông về tham gia giảng dạy môn Điện tử Viễn thông tại trường Đại học Quốc tế TP.Hồ Chí Minh.
Từ thực tế giảng dạy, tiếp xúc với sinh viên, ông nhận xét: Giáo dục ở Việt Nam trên đà phát triển theo mô hình tiên tiến của nước ngoài. Khi nhận lời về nước giảng dạy, ông luôn tâm niệm, phải làm sao để giúp các sinh viên khi vào môi trường đại học phải biết phát huy tính độc lập, sáng tạo không chỉ trong học tập mà cả trong cuộc sống.
Ông càng vui khi đón Tết Nguyên đán cùng gia đình nơi quê nhà, ông Nguyễn Đình Nguyên hồ hởi: “Đây là Tết thứ hai của tôi ở Việt Nam. Tôi rất vui vì được về quê đón Tết. Bà con ở quê đón Tết rất nồng hậu, khác hẳn bên Mỹ. Tôi chuẩn bị mua quà, tới thăm người thân, lì xì cho mấy đứa nhỏ…”.
Còn ông Lê Văn Ngô, Việt kiều Đức, thì cho hay: mỗi năm ông luôn dành một nửa thời gian của mình về Việt Nam cộng tác với trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh với tư cách giảng viên cơ hữu. Say sưa kể về những dự định, những kế hoạch giảng dạy của mình, ông không quên bày tỏ niềm phấn khởi vì một lần nữa được đón năm mới trên quê hương. Nhà chỉ có hai vợ chồng nên với ông việc mua sắm cũng khá đơn giản, nhưng không thể thiếu bàn thờ gia tiên và cặp bánh tét, dưa hấu chưng trong ba ngày Tết. Ông Lê Văn Ngô nói: “Tôi muốn giúp thế hệ trẻ sau này say mê nghiên cứu để tìm ra cái mới, khám phá nguồn tài nguyên rất đặc thù của Việt Nam. Năm nào tôi cũng ăn Tết ở quê, rất phấn khởi. Ở bên kia, bây giờ lạnh lắm. Còn thời tiết ở quê nhà thì ấm áp, khác hẳn”.
Là một Việt kiều Pháp nhưng “không thích được gọi là Việt kiều”, Tiến sĩ Khoa học Dương Nguyên Vũ vừa có thêm quốc tịch Việt Nam. Hiện là Giám đốc Khoa học của Trung tâm nghiên cứu hàng không châu Âu, giảng viên của hai trường đại học lớn tại Paris (Pháp), từ năm 2003 đến nay, mỗi năm ông về nước không dưới 10 lần để tham gia giảng dạy tại trường Đại học Bách Khoa và Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Ông là một trong số ít kiều bào tiêu biểu 4 lần được nhận Bằng khen của UBND TP.
Kể về ngày Tết của mình, Tiến sĩ Dương Nguyên Vũ cho biết: Tiếc là tôi không được ăn Tết ở quê nhà, nhưng mà được “ngửi” cái mùi của Tết, đi ra đường thấy đẹp quá (đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ)… mà thấy nôn nao. Tôi sẽ đem bánh chưng, bánh tét về Pháp ăn”.
Theo nhận xét của TS Dương Nguyên Vũ, mức độ phát triển của thành phố khoảng 10 năm trở lại đây mau lẹ không tưởng tượng được.
Những trí thức kiều bào mà chúng tôi đã gặp là số ít trong số hơn 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường Đại học của TP. Hồ Chí Minh, ngoài ra còn có hơn 400 chuyên gia, trí thức ở 11 quốc gia về làm việc dài hạn trên địa bàn thành phố. Trong năm 2009 đã có thêm hơn 300 doanh nghiệp là kiều bào được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại thành phố với tổng vốn điều lệ gần 7.500 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài lên 2.327 với tổng vốn 31.560 tỷ đồng. Tuy bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng số lượng kiều hối năm 2009 chuyển về thành phố ước đạt gần 3,148 tỷ USD, bằng hơn 80% so với năm 2008. Trong năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn tích cực ủng hộ các hoạt động xã hội trong nước như giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, ủng hộ bộ đội Trường Sa... với tổng số tiền 12,2 tỷ đồng.
Dịp Tết Canh Dần, dự kiến số lượng kiều bào về thăm quê hương sẽ đạt mức kỷ lục với khoảng 500.000 lượt người qua sân bay Tân Sơn Nhất. Đánh giá cao sự ủng hộ của bà con kiều bào, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nói: “Năm nay, số lượng bà con trở về nước đông nhất trong những năm gần đây. Điều này nói lên tình cảm, trách nhiệm, tấm lòng đối với đất nước, đối với quê hương của kiều bào. Điều này chứng tỏ, kiều bào dù sống ở đâu, làm gì nhưng tình cảm vẫn hướng về Tổ quốc Việt Nam”.
TP. Hồ Chí Minh là nơi có lượng kiều bào lớn nhất nước, với hơn 2 triệu người Việt Nam đang làm việc và sinh sống trên khắp 5 châu lục, có nhiều mối quan hệ về kinh tế, xã hội. Đây được xem là nguồn vốn quý của quốc gia, bởi họ không chỉ là cầu nối góp phần thắt chặt mối tình hữu nghị bang giao với các nước, mà còn tiếp thu được tinh hoa nhân loại để đem về xây dựng quê hương. Điều này cũng nói lên rằng, dù ở phương trời nào, dù cuộc sống ở nước ngoài có đủ đầy sung túc thì tấm lòng bà con kiều bào vẫn luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cùng sẻ chia những lo toan, trăn trở và cùng chung tay làm giàu đẹp thêm cho mảnh đất quê hương, góp phần đem lại cho đất nước những mùa xuân ngày càng tươi vui, rạng rỡ./.