Bác Hồ trong trái tim kiều bào xa Tổ quốc
VOV.VN - Bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng để hằng ngày ai cũng được thấy Bác, bởi thấy Bác là thấy quê hương đất nước, cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung và Việt kiều tại Lào nói riêng, Bác Hồ là hiện thân của Tổ quốc. Nghĩ về Bác là nghĩ về quê hương đất nước, về ông bà tổ tiên. Nhớ ngày Bác mất, nhiều gia đình Việt kiều đã tổ chức giỗ Bác, thắp nén tâm hương tưởng niệm Người.
Năm nào cũng vậy, cứ trước Quốc khánh mùng 2/9 một ngày, cụ bà Nguyễn Thị Nương ở Bản Phải, quận Sisatanat, thủ đô Vientiane cũng dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ, hương đèn, lau lại chân dung Bác Hồ để làm giỗ Bác.
Tuổi già, con cháu ở xa, lại giữ nếp cũ, ngày giỗ Bác, bà chỉ dâng hương hoa, bánh trái như cách bà con Việt kiều vẫn làm ở chùa với ông bà tổ tiên của mình. Bà nhớ lại, từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, khi tản cư sang Thái Lan, hầu hết Việt kiều đều treo ảnh Bác Hồ trong nhà và giáo dục con cháu biết kính yêu Bác, như một cách để nhớ về quê hương nguồn cội. Khi chính quyền thân Mỹ ở Thái Lan lên nắm quyền, chúng truy lùng, bà con nghĩ cách đưa ảnh Bác lên bàn thờ. Chuyện thờ sống Bác Hồ có từ những năm ấy.
"Không cứ gia đình tôi mà tất cả gia đình Việt kiều yêu nước hồi ấy trong nhà đều treo ảnh Bác Hồ. Khi chính quyền mới lên, chúng khủng bố thì chúng tôi làm bàn thờ, đưa ảnh Bác lên. Mình thờ Bác Hồ, thờ sống. Vì lúc đó Bác còn sống nên mình không thắp hương thôi. Phong tục của Lào, Cam puchia, Thái Lan, trong nhà mình có quyền thờ một vị nào đó mà mình tôn kính. Nên khi mình thờ Bác Hồ trong nhà, chúng chẳng dám làm gì được", bà Nương kể.
Nghe tin Bác mất, bà con ai cũng đau buồn. Không ai bảo ai, bà con lập bàn thờ trong nhà thờ Bác như ông bà mình. Lúc Bác sống thì bà con lên chùa lễ Phật, mong cho Bác sống lâu. Khi Bác mất, bà con lại lên chùa thắp hương cầu nguyện cho linh hồn Bác sớm được siêu thoát. Với người Việt xa quê hương, Bác Hồ từ lâu đã được xem như người thân trong gia đình. Bà con thờ Bác Hồ như thờ chính Ông bà Cha mẹ mình.
"Nghe tin bác mất, Việt kiều chúng tôi ai cũng đau buồn, khóc như mưa như gió. Lúc Bác còn sống thì chúng tôi thờ sống Bác. Lúc Bác mất thì chúng tôi thờ cúng Bác. Không riêng tôi mà tất cả Việt Kiều đều thờ Bác. Trong nhà thờ cúng ông bà cha mẹ thì cũng thờ cúng Bác Hồ. Giỗ ông bà tổ tiên thế nào thì cũng giỗ Bác thế ấy. Ai cũng xem Bác như một người ông của gia đình mình", bà Nương nói.
Sinh ra trên đất Lào, khi cha mẹ rời Hà Tây sang đây sinh cơ lập nghiệp. 15 tuổi, mấy chị em bà Nương cùng gia đình sang Thái Lan tránh sự truy bức của các phần tử phản động đối với những người yêu nước. 21 năm trên đất Thái Lan, rồi 10 năm sang Pháp, đến năm 1976, gia đình bà trở về Lào định cư đến bây giờ.
Mấy mươi năm vất vả mưu sinh, đi đâu, trong hành trang của gia đình luôn có ảnh chân dung Bác Hồ. Trong căn nhà trên phố Dongpalan ở thủ đô Vientiane, bàn thờ Bác Hồ được gia đình đặt ở vị trí trang trọng để hằng ngày ai cũng được nhìn thấy Bác. Bởi thấy Bác là thấy quê hương đất nước, thấy cội nguồn dân tộc Việt Nam.
"Có Bác Hồ thì mới có quê hương Tổ quốc ngày nay. Bác Hồ dạy là dù đi đâu, ở đâu, mình vẫn là người Việt Nam. Mình có quê hương mình, mình phải biết yêu biết quý, biết tran trọng. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào là mình có Bác Hồ, có quê hương đất nước mà khắp năm châu bốn biển ai cũng phải trân trọng", bà Nương cho hay.
Người già thường sống vì kỷ niệm. Bà Nương cũng không ngoại lệ. Phòng khách nhà bà đầy ắp hình ảnh của gia đình, người thân, bạn bè với những kỷ niệm không quên về một thời phiêu bạt mưu sinh, mà ở đâu, gia đình bà cũng là thành viên tích cực trong các hoạt động cộng đồng như tham gia đón và phục vụ phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang họp Hội nghị Paris, tiệc chiêu đãi khi Hiệp định Paris được ký kết, các hoạt động cộng đồng ở Thái Lan, Lào…
Mỗi dịp Quốc khánh là thêm một lần bà Nương bồi hồi nghĩ về đất nước, về Bác Hồ kính yêu và lòng tự dặn lòng phải sống sao cho xứng đáng với tình thương yêu và sự hy sinh mà Bác đã dành trọn đời mình cống hiến cho dân tộc./.