Bút tích của nhà yêu nước Phan Bội Châu trên đất Phù Tang
Ở ngôi chùa Syorin, tỉnh Sizuoka (Nhật Bản) có một tấm bia đá khắc bút tích của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Bút tích của cụ Phan đã được công nhận là di sản văn hóa của tỉnh Sizuoka
Chùa Syorin trầm mặc giữa cánh đồng lúa xanh ngát ngoại ô thị trấn Fukuroi tỉnh Sizuoka- miền trung Nhật Bản. Ngay phía bên trái cổng chùa là một tấm bia đá đứng sừng sững dưới nền trời trong xanh…
Trên tấm bia đá khắc dòng chữ đại ý như sau
Tôi vì nợ nước mà tới đất Phù Tang
Ngài thấu hiểu ý nguyện và giúp đỡ kẻ nhân sĩ như tôi
Cổ kim không có gì so sánh, những tấm lòng trọng nghĩa
Than ôi, giờ đây Ngài đã ở thế giới bên kia
Trời xanh biển thẳm, nỗi lòng này biết tỏ cùng ai.
Xin khắc ghi tâm tình sâu nặng tưởng nhớ ân nhân đã khuất…
(Phỏng theo Bút tích của Phan Bội Châu tháng 3/1918)
Vào những ngày đầu thu tháng 8, đúng dịp lễ hội Obon tưởng nhớ tổ tiên của Nhật Bản, tôi theo chân ông Yukiho-Amma đại diện hội Asaba-Việt Nam-nhà nghiên cứu lịch sử về Phan Bội Châu và phong trào Đông Du đến chùa Syorin…
Tay run run khẽ chạm vào mặt bia, ông Yukio-Amma nhớ lại: “Tháng 4/1904, Phan Bội Châu và một số nhà nho của Việt Nam đã thành lập ra Duy Tân Hội với mục đích tìm con đường mới cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Đầu năm 1905, Phan Bội Châu đã bí mật rời Việt Nam tới Nhật Bản, mở đầu cho phong trào Đông Du, đưa các thanh niên Việt Nam yêu nước sang Nhật học tập, rèn luyện để quay về khôi phục nền độc lập của Tổ quốc”.
PV VOV bên bia khắc bút tích của cụ Phan Bội Châu |
May mắn cụ đã gặp được Asaba-Sakitaro- một tri thức Nhật Bản còn trẻ sống tại xã Umeyama, làng Higasi-asaba (bây giờ được gọi là thị trấn Fukuroi) của tỉnh Sizuoka. Trong bức thư gửi Asaba, cụ Phan đề nghị được giúp đỡ. Ngay sau đó, cụ Phan đã nhận phong thư với dòng chữ ngắn gọn của Asaba “xin dâng chút mọn” kèm theo số tiền 1.700 yên, gấp gần 100 lần so với mức lương tháng của công chức Nhật Bản thời bấy giờ để giúp cụ Phan và các đồng chí của mình qua thời khó khăn.
Tháng 3/1909, Phan Bội Châu và Cường Để - người đứng đầu trên danh nghĩa “Duy Tân hội” nhận được mệnh lệnh của Chính phủ Nhật Bản phải rời khỏi Nhật Bản trong vòng 10 ngày. Trước khi rời Nhật Bản cụ đã tới tận Sizuoka để cảm tạ cụ Asaba. Lúc chia tay, cụ Asaba nắm chặt tay cụ Phan, rưng rưng xúc động bày tỏ mong muốn sẽ gặp lại cụ Phan tại Nhật Bản trong thời gian sớm nhất.
9 năm sau, tháng 3/1918 cụ Phan trở lại Nhật Bản và tìm đến nhà cụ Asaba để tạ ơn. Cụ Phan đau đớn khi được tin cụ Asaba-một nhân sĩ vì nghĩa lớn của hai dân tộc, đã đột ngột qua đời vì bệnh nặng giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ (43 tuổi). Nén đau thương, cụ Phan đã dựng bia tri ân Asaba. Cuốn sử của làng Higasi-asaba còn ghi: “Dân làng đã tích cực giúp cụ Phan dựng bia hoàn thành vào tháng 3/1918. Bia có đoạn viết:
….Cổ kim không có gì so sánh, những tấm lòng trọng nghĩa
….Xin khắc lên đây tâm tình sâu nặng tưởng nhớ ân nhân đã khuất…
Năm 1998, bia khắc bút tích Phan Bội Châu đã được tỉnh Sizuoka chính thức công nhận là di sản văn hóa của tỉnh. Người dân Sizuoka tự hào được đón nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam tới đây.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước chính thức được thiết lập cách đây 36 năm, nhưng thực tế, mối quan hệ đó đã gắn bó mật thiết từ bao thế kỷ, từ thời thương thuyền Nhật Bản cập cảng Hội An, ngày cụ Phan Bội Châu đặt chân lên mảnh đất Phù Tang tìm đường cứu nước… Mối quan hệ đó ngày càng thấm sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân hai nước Việt Nam-Nhật Bản./.