Cảm nhận Trường Sa sau chuyến ra đảo của bà con Việt kiều
Lần đầu tiên, đoàn đại biểu kiều bào với khoảng 60 kiều bào từ hơn 30 quốc gia trên thế giới đã có chuyến thăm, tặng quà và động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa
- Tài năng gốc Việt trở thành nhà vô địch châu Âu
- Nữ sinh gốc Việt bị xử tù vì vắng học gây phẫn nộ dư luận Mỹ
Chuyến thăm và ủng hộ Trường Sa do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn ông Trần Bằng - đại diện cho Hội Người Việt Nam tại Pháp về những cảm nhận của mình trong chuyến đi Trường Sa vừa qua.
Ông Trần Bằng (phải) giới thiệu với Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng về những bức ảnh chụp trong chuyến thăm Trường Sa |
Ông Trần Bằng: Đoàn chúng tôi có may mắn được tham gia vào chuyến đi tới thăm khá nhiều đảo, 3 đảo nổi, 4 đảo chìm và khu vực nhà giàn. Chúng tôi đã được chứng kiến các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, đánh cá, và hy vọng một ngày nào đó, các hoạt động du lịch có thể phát triển được tốt hơn nữa. Qua chuyến thăm này, chúng tôi cũng thấy được tiềm năng của biển, của đảo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội lớn như thế nào. Việt Nam có bờ biển dài; các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng thủ từ xa.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng kinh tế- xã hội trong nước có mạnh mới có thể tập trung phát triển cho biển đảo, từ trang thiết bị cho đến cuộc sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo.
PV: Qua chuyến đi Trường Sa lần này, anh thấy cuộc sống sinh hoạt và làm việc của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên các đảo như thế nào?
Ông Trần Bằng: Trước khi ra đảo, đa số các thành viên trong đoàn chưa tưởng tượng được cuộc sống ở trên các đảo, đặc biệt là các đảo chìm như thế nào. Trong đoàn Việt kiều chúng tôi, rất nhiều người đã từng đi nhiều, đi xa và trong những môi trường rất khác so với môi trường ở Việt Nam, nhưng không mấy ai có thể tưởng tượng được cuộc sống và sinh hoạt của quân đội cũng như nhân dân trên các đảo, và đặc biệt là trên các đảo chìm...
Có lẽ, tất cả mọi người đều ấn tượng với việc Hải quân Nhân dân Việt Nam duy trì được một cuộc sống, một nếp sống quân nhân, tác phong, tinh thần và thể lực…
PV: Những ai may mắn có dịp thăm Trường Sa thường nói, mỗi chuyến đi Trường Sa đều mang đậm những dấu ấn và kỷ niệm. Vậy chuyến đi Trường Sa lần này chắc hẳn đã mang lại cho anh nhiều ấn tượng?
Ông Trần Bằng: Tôi có 3 ấn tượng. Ấn tượng đầu tiên của tôi dành cho các thế hệ cha ông ta trước đây. Tôi vô cùng khâm phục họ bởi trước đây đi biển, cha ông ta chỉ có la bàn, làm gì có bản đồ, càng không có định vị vệ tinh, chỉ cần sai 1 độ là sau một ngày đường có thể đi sai vài chục hải lý. Vậy mà cha ông ta đã đến được các đảo, khai thác và lưu trú lại các đảo, đồng thời đánh dấu chủ quyền đối với các đảo.
Ấn tượng thứ hai là về cảnh quan. Có thể nói, những đảo san hô là môi trường rất đẹp, chúng đã tạo ra môi trường sống rất tốt cho các loài cá, các loài sinh vật và kể cả thực vật trên các đảo. Vì thế, đây sẽ là một trong những địa điểm rất tốt để phát triển du lịch, kinh tế và cho các hoạt động khác.
Ấn tượng thứ ba là về con người trên đảo. Khi chứng kiến các gia đình sinh sống, đánh cá, các cháu thiếu nhi học tập… tôi tin rằng đó là tín hiệu rất tốt cho hình ảnh của Việt Nam và cho cuộc sống bình thường trên các đảo.
Đó là ba ấn tượng tốt nhất và đặc biệt nhất đối với không chỉ riêng cá nhân tôi mà còn với tất cả mọi người ra đảo chuyến này.
PV: Sau chuyến đi Trường Sa lần này, anh có mong muốn và dự định gì khi trở về Pháp?
Ông Trần Bằng: Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các chuyến đi như thế cho bà con Việt kiều cũng như bạn bè nước ngoài để họ hiểu đúng và ủng hộ nhiều hơn nữa đối với Việt Nam cũng như đối với các khu vực biển đảo của Việt Nam để cùng hướng đến mục tiêu hòa bình và phát triển ổn định.
Cũng chính vì vậy, khi chúng tôi quay trở lại Pháp, và có lẽ kiều bào tại các nước khác cũng sẽ làm như vậy, ngoài vấn đề thông tin, mỗi người sẽ tùy theo lĩnh vực hoạt động của mình, tùy theo công việc của mình để có sự hỗ trợ về nhiều mặt như nhân đạo, kinh tế, hợp tác, phát triển… cùng tham gia vào công cuộc hiện đại hóa, không chỉ riêng cho khu vực biển đảo mà còn cho Việt Nam, cho quan hệ hợp tác quốc tế của các nước với Việt Nam nói chung.
PV: Xin cảm ơn anh./.