Chuyện một giáo sư Việt kiều

Với những đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ông là một trong những gương mặt Việt kiều đã góp phần làm rạng danh đất nước.

Bạn bè trên thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn qua cái tên quen thuộc: GS.TS Nguyễn Đăng Hưng.

Đào tạo hơn 300 thạc sĩ trình độ quốc tế

GS.TS Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941, là người con của vùng đất Quảng Nam. Sinh ra ở một vùng quê hiếu học, cậu bé Hưng luôn là một học sinh xuất sắc. Năm 1960, nhờ đỗ tú tài xuất sắc cả ban toán và ban văn, Nguyễn Đăng Hưng nhận được học bổng ngành kỹ thuật của Vương quốc Bỉ trao tặng. Đi du học tại một đất nước có nền khoa học, công nghệ phát triển, Nguyễn Đăng Hưng luôn làm bạn bè và các giáo sư trong trường đại học thán phục bởi lòng ham học và tính sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Năm 1966, Nguyễn Đăng Hưng tốt nghiệp đại học, được giữ lại giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Liège, trở thành một trong những nhà cơ học xuất sắc của thế giới và giành được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín.

Tuy xa cách quê hương nhưng tấm lòng của ông luôn hướng về đất nước. Khi đất nước còn trong chiến tranh, ông đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Năm 1977, theo lời mời của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước Việt Nam (tiền thân của Bộ Khoa học - Công nghệ), giáo sư Hưng có dịp được về giảng dạy hai tuần tại Đại học Giao thông - Vận tải Hà Nội. Về giảng dạy tại quê nhà, ông nhận thấy Việt Nam vừa trải qua chiến tranh, rất thiếu nguồn nhân lực xây dựng đất nước.

Bằng uy tín và các mối quan hệ của mình, năm 1990, ông đã thuyết phục được các nhà tài trợ nước ngoài và các đối tác châu Âu giúp đỡ tài chính cho chương trình đào tạo liên đại học mang tên: “Thạc sĩ Âu Châu về cơ học xây dựng” (EMMC) tại TP. Hồ Chí Minh. Ba năm sau là một chương trình tương tự - “Thạc sĩ Âu Châu về mô phỏng và thiết kế trong kỹ thuật” (MCM) tại Hà Nội.

Các chương trình đào tạo sau đại học được xây dựng theo tiêu chuẩn Châu Âu và được đại học Liège cấp bằng. Những sinh viên có kết quả học tập xuất sắc còn được nhận học bổng tiến sĩ ở Châu Âu, Canada, Australia, Nhật Bản… Tính đến khi chương trình đào tạo này chấm dứt (tháng 9/2008), giáo sư Hưng đã góp phần đào tạo tại chỗ 318 thạc sĩ và 20 tiến sĩ cho đất nước, chưa kể trên 50 người còn tiếp tục theo học ở nước ngoài.

Ngoài ra, ông còn là thành viên Ban điều hành và Điều phối viên của Đề án Hợp tác đào tạo tiến sĩ một số chuyên ngành kỹ thuật tại Châu Âu dưới hình thức đồng hướng dẫn bằng ngân sách Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2003 - 2008.

Trước tình trạng bờ biển Việt Nam bị xâm thực nghiêm trọng bởi sự thay đổi của khí hậu trái đất, ông đã cùng với trường Đại học Thủy lợi Hà Nội xây dựng đoạn kè tiêu biểu dài 300m theo kỹ thuật hiện đại tại bờ biển Mũi Né (Bình Thuận) và xây dựng ở đây một trạm đo đạc thủy khí, thủy văn vùng biển theo sự tài trợ của cộng đồng Wallonie-Bruxelles.

Với những cống hiến cho đất nước, ông đã được trao tặng danh hiệu “Vinh danh đất Việt” năm 2005 và nhận bằng khen của Bộ Ngoại giao Việt Nam (năm 2005 và năm 2007).

Giáo sư Hưng cho rằng, có sự khác biệt rất lớn giữa các trường đại học ở Việt Nam và trường đại học của các nước tiên tiến trên thế giới. Ở các nước Âu, Mỹ, các trường đại học là nơi truyền bá tri thức và nghiên cứu khoa học một cách khách quan. Ở Việt Nam, còn lẫn lộn giáo dục với tuyên truyền, chương trình học nặng lý thuyết, nghiên cứu khoa học không được coi trọng đúng mức. Các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học tách rời với các trường đại học. Kết quả là giáo trình giảng dạy không được hiện đại hóa kịp thời nhờ những kết quả nghiên cứu khoa học và những kết quả này nếu có lại không được phổ biến để có sự tiếp nối của lớp trẻ. Đây là sự lãng phí ở một đất nước còn nghèo như Việt Nam.

Theo ông, để giáo dục Việt Nam theo kịp các nước tiên tiến, không có con đường nào khác ngoài việc chúng ta phải triệt để đổi mới tư duy.

Hết mình vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học

Năm 2006 nghỉ hưu, giáo sư Hưng hồi hương về Việt Nam và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. Dù nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài với công việc chuyển giao khoa học công nghệ cho thế hệ trẻ. Ông đã mở Công ty Công nghệ quốc tế Hưng Việt (HVT) để các học trò đã theo học chương trình đào tạo quốc tế EMMC và MCMC có điều kiện thi thố khả năng trong một môi trường làm việc quốc tế.

HVT tạo ra những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đó là những phần mềm có kỹ năng cao trong việc phân tích các loại kết cấu dựa trên những mô hình toán tiên tiến, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: công trình dân dụng, cầu hầm, đập nước, máy móc, ô tô, máy bay, robot… Khách hàng thường xuyên của HVT là các hãng chế tạo xe hơi Mercedes - Daimler, BMW, PORSCH, GM, VOLKSWAGEN, TATA và các công ty thiết kế cấu trúc hàng không.

Theo giáo sư Hưng, các cơ sở nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết. Khoa học Việt Nam muốn có bước bứt phá cần rà soát lại hiện trạng, thay thế nhân sự. Người đầu tàu được bổ nhiệm trong một thời gian nhất định nếu không thể hiện được khả năng của mình qua những báo cáo khoa học, những công trình được công bố trên những tạp chí quốc tế, những bằng phát minh được giới khoa học thừa nhận, những hướng dẫn nghiên cứu thành công thì phải nhường chỗ cho người khác. Việt Nam phải chú ý đào tạo đội ngũ kế cận là những người trẻ không những phải có bằng tiến sỹ, có công trình khoa học mà còn phải có kinh nghiệm cọ xát với môi trường khoa học công nghệ quốc tế qua thời gian dài nghiên cứu sau tiến sỹ. Muốn đi nhanh, đi tắt, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn, Việt Nam phải dựa vào chất xám Việt kiều.

Ông cũng cho rằng, hiện nay có trên 300.000 người Việt được đào tạo bài bản đang làm việc tại các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các phân xưởng, các nhà máy tiên tiến trên thế giới. Họ thường xuyên cọ xát với môi trường khoa học công nghệ có sự cạnh tranh gay gắt nhất. Vấn đề là phải thu hút được họ, tạo điều kiện để họ tự nguyện tham gia công cuộc phát triển đất nước. “Huy động chất xám cần những biện pháp tế nhị. Điều cần nhất là phải tạo dựng một không gian thoáng về tư duy, về tư tưởng, dân chủ trong phát biểu và đề xuất khoa học. Người trí thức chân chính cần tính trung thực, minh bạch, tính công khai, cần lý tưởng chân thiện mỹ” - giáo sư Hưng chia sẻ.

Những lúc rảnh rỗi, ông thường dịch những ca khúc cổ điển nước ngoài sang lời Việt./.

GS. TS Nguyễn Đăng Hưng là tác giả của hơn 20 cuốn sách, bài giảng, từ điển và hơn 200 công trình khoa học. Phần lớn trong số đó được xuất bản bởi các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới. Ông đã được nhận danh hiệu Giáo sư ưu tú và Huân chương cao quý của Vương quốc Bỉ; Huân chương Đại Hiệp sỹ của vua Léopold II, Vương quốc Bỉ. Tháng 7/1999, ông được tạp chí hàng tuần của Bỉ “Le Vif - l’Express” bình chọn là 1 trong 10 người nước ngoài “đã làm thay đổi nước Bỉ”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên