Cô gái Mỹ gốc Việt mơ phục hưng sơn mài

Nếu các nghệ nhân sơn mài truyền thống lấy sơn ta  phủ lên mặt gỗ thì cô gái Mỹ gốc Việt Phi Phi Oanh Nguyễn, 30 tuổi, lại phủ sơn ta lên sắt, lên mặt nhựa epoxy

Để tạo ra một bức tranh sơn mài theo hình mái vòm, Oanh phải suy nghĩ rất nhiều để tìm ra cách thể hiện mới, bởi lẽ chất liệu gỗ của tranh sơn mài truyền thống rất khó tạo nên những đường cong theo ý mình.

Khi bắt đầu nghiên cứu làm hình vòm, Oanh dùng nhiệt hấp sơn ta lên sắt. Đây là phương pháp cổ của người Nhật trong tranh sơn mài truyền thống của họ.

Không ngờ, nghịch thử với sơn ta lại thành công. Thế nhưng để tạo ra một mái vòm lớn, phải dùng tới một khối lượng sắt khổng lồ, rất tốn kém. Oanh lại tiếp tục thử nghiệm với nhựa epoxy và cho kết quả khả quan.

Vậy là sau hai năm lao động cật lực cùng với sự giúp sức của một số người bạn, Oanh đã hoàn thành tác phẩm Specula (Những tấm gương phản chiếu).

Đó là một tác phẩm nghệ thuật bên trong một lối đi hẹp với chiều dài 7,2m và chiều rộng 2,4m mô phỏng không gian kiến trúc đặc trưng của Hà Nội với những bức bích họa bằng sơn mài  trên nền mái vòm cong.

Phi Phi Oanh Nguyễn

Để tạo ra mái vòm này, Oanh đã sử dụng tới 500 kg nhựa epoxy, 250 kg hóa chất cứng và 700 kg sợi thủy tinh để làm cốt nền tranh, liên kết bởi 347m hộp thiếc.

Ý tưởng làm bức tranh sơn mài hình mái vòm đã được hình thành trong một lần đi uống cà phê tại một quán cà phê bình dân ở Hà Nội. Oanh nhớ lại, đó là một quán không tên và có thể gặp bất kỳ nơi nào ở Hà Nội.

Ngồi trong quán, Oanh nhìn sang bên kia đường và thấy một ngôi nhà ống như một cái hầm. Còn quán cà phê này cũng tối như một cái hầm khiến Oanh thấy có cái gì đó rất duyên.

Từ lâu, Oanh muốn đem sơn mài vào một không gian khác lạ. Thế là Oanh chợt nghĩ ra một tác phẩm sơn mài làm cho khán giả phải xem rất gần.

Nếu như triển lãm Hộp đen hai năm trước đây của Oanh có cái gì đó rất riêng Việt Nam thì với Specula, tính đa văn hóa được thể hiện rất rõ. Đường hầm trong Specula gợi nhớ tới kiến trúc làng cổ Đường Lâm, còn khán giả nước ngoài lại có thể liên tưởng tới kiến trúc Gothic nổi tiếng ở phương Tây.

Cũng từ cuộc thử nghiệm trên, Oanh đã hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật khác, cũng là tranh sơn mài nhưng là sơn ta phủ trên nền sắt. Tác phẩm này vừa ra mắt tại triển lãm Tiềm tiệm (Tàm tạm)  tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản ngày 17/12 cùng với tác phẩm của nữ họa sỹ sơn mài Nhật Bản Ando Saeko.

Sơn mài phá cách?

Trong quá trình nghiên cứu nghệ thuật sơn mài Việt Nam, Phi Phi Oanh Nguyễn nhận thấy  trước đây, trong trường Mỹ thuật Đông Dương, các cây đa, cây đề của hội họa Việt Nam đã sáng tác một cách thoải mái về sơn mài, tìm được nhiều con đường mới cho sơn mài.

Thế nhưng, Oanh nhận thấy, ở Việt Nam hiện nay, những người làm sơn mài quá tôn trọng phong cách truyền thống, nên nó bị lặp đi lặp lại, chưa có sự phá cách.

Theo Oanh, bây giờ là thời cơ để phục hưng sơn mài vì không có lý do gì không đưa sơn mài Việt Nam lên tầm cao mới, khi  chúng ta có đầy đủ phương tiện, vật liệu và  làng nghề.

Nhận xét về triển lãm Specula,  Quang Việt, tác giả cuốn sách Hội họa sơn mài Việt Nam nhận xét: “Nếu như Oanh Phi Phi Nguyễn từng nói về “lần phục hưng thứ hai của sơn ta” thì với tác phẩm quan trọng Specula, chị có thể là một trong số những tác nhân cho lần phục hưng thứ hai ấy”.

Vẽ tranh nhỏ để nuôi tranh to

Tác phẩm Specula dài 7,2m và rộng 2,4m

Sinh ra và lớn lên tại  Houston, Texas, Mỹ,  Phi Phi Oanh Nguyễn vẫn luôn thắc mắc về nguồn gốc của mình. Với cô, Việt Nam  là một đất nước khá xa lạ dù từ nhỏ cô được nuôi dưỡng trong một gia đình thuần Việt, sống theo lối sống Việt. Trước khi được học bổng Fulbright sang Việt Nam học về sơn mài, Oanh phải học lại tiếng Việt.

Học bổng  chỉ có thời hạn một năm. Sau triển lãm đầu tiên, Oanh thấy vẫn chưa tìm hiểu được hết, nên quyết định ở lại học thêm và tự trang trải mọi chi phí.

Ở lại thêm hai năm, Oanh hoàn thành tác phẩm Hộp đen. Thêm hai năm nữa là Specula. Cho đến nay, Oanh ở Việt Nam được 5 năm nhưng cô vẫn cảm thấy chưa hiểu được hết về sơn mài và còn nhiều ý tưởng về sơn mài muốn được phát triển tiếp.

Để tự trang trải cuộc sống và để nuôi những ý tưởng của mình, Oanh lao động cật lực, vẽ tranh nhỏ để nuôi tranh to. Giờ đây, Oanh cảm thấy gần gũi với văn hóa Việt Nam và muốn tiếp tục ở lại Việt Nam để học tiếp về sơn mài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên