Cô giáo Phạm Thị Xuân hết lòng vì trẻ khuyết tật

(VOV) -Việc làm của cô Xuân là một biểu hiện tốt trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hình ảnh những trẻ thơ không may khiếm khuyết về thể trạng lẫn trí tuệ khiến nhiều người cảm thấy xót lòng. Đáng buồn hơn, các em không được đến lớp, được học con chữ và hòa nhập cộng đồng… Thương cảm trước những số phận không may mắn đó, một lớp học mang tên “lớp học nhân ái” ở khu phố I, phường 3, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh ra đời hơn 1 năm nay và được cô giáo Phạm Thị Xuân tận tụy chăm sóc, giúp những em khuyết tật gieo mầm những ước mơ.

Tìm đến lớp học sau cơn mưa đêm hôm trước, thấy chúng tôi, bọn trẻ đứng dậy hô: “chúng em chào thầy ạ!”. Lạc trong lời đồng thanh ấy, chúng tôi vẫn nghe những tiếng nói khó khăn.

Lớp học tình thương của cô giáo Xuân (Ảnh: Báo Tây Ninh)

Cô giáo về hưu Phạm Thị Xuân, người “khai sinh” ra lớp học đặc biệt này cho biết: “Sau khi về hưu, tôi tham gia công tác ở địa phương là điều tra việc làm, cộng tác viên dân số. Tôi thấy các em khuyết tật đến độ tuổi đi học và quá độ tuổi đi học mà không được đến trường. Đó là một sự thiệt thòi lớn đối với các em và cũng là gánh nặng của gia đình. Các em khuyết tật này rất muốn đi học nhưng không có trường nào nhận các em. Chính vì thế, tôi mới nảy sinh ra ý định mở lớp học này”.

Để mở lớp, cô Xuân tìm đến rất nhiều cơ quan, đơn vị để vận động. Rất may, cô nhận được sự giúp đỡ tích cực nên lớp học tình thương sớm ra đời và có cơ sở khang trang như ngày hôm nay. Để có địa điểm dạy, cô phải hy sinh một phần thu nhập từ việc cho thuê phòng trọ, dành riêng một phòng sửa chữa, trang trí làm lớp học cho các em.

Đa số học sinh của lớp đều thuộc diện gia đình nghèo khó. Có em bị thiểu năng trí tuệ, bị bệnh đao, em bị liệt, mắc chứng tự kỷ… nhưng em nào cũng chăm chỉ đến lớp.

Không thể tự đi, em Nguyễn Thị Cẩm Nhung (8 tuổi) cũng được bà ngoại đưa đến lớp, bất kể những hôm trời mưa. Chân tay teo tóp, không thể tự ngồi được, mọi sinh hoạt trong lớp, Nhung đều phải nhờ vào cô giáo. Bù lại, em viết chữ khá đẹp, đọc chữ rất tốt, tiếp thu rất nhanh trong học Toán. Còn em Nguyễn Thị Thu Trang (7 tuổi), nhà ở Hiệp An, Hiệp Tân, Hoà Thành bị bệnh tim bẩm sinh và hội chứng đao từ nhỏ. Từ khi đến lớp này, sức khỏe của bé khá hơn, đã biết nói, viết được chữ. Ngày nào mẹ bận không chở đến lớp là Trang khóc…

Dù ngồi rất khó khăn nhưng bé Nhung vẫn thích đi học (Ảnh: Báo Tây Ninh)

Cô Xuân tâm sự: “Những ngày đầu dạy bọn trẻ vất vả đủ bề. Các em chưa quen nhau, phá phách, bỏ lớp đi lung tung, có khi cô phải huy động cả con dâu ra lớp quản phụ. Giờ thì đã ổn thoả, bọn trẻ đã vào nế nếp. Với các em khuyết tật phải ân cần, gần gũi, nhẹ nhàng, yêu thương chúng hết mực, xem chúng như con cháu mình thì mới dạy được chúng”.

Dạy lớp vỡ lòng cho trẻ bình thường đã khó thì một lớp học đặc biệt với 14 em khuyết tật càng khó bội lần. Ở đây, không chỉ dạy cho bọn trẻ biết nói, biết chữ, mà cô Xuân còn dạy cho các em biết lễ phép, nhường nhịn nhau, tự làm những việc nhỏ cho mình... Đến nay, nhiều em đã biết đọc, biết viết.

Chia sẻ về niềm vui ấy, cô Xuân nói: “Các em có ý thức tập thể, yêu thương nhau, nghe lời cô giáo, yêu thương bố mẹ. Tôi cho đây là những yếu tố thành công nhất. Còn những cái khác tôi chưa dám đề cập đến nhưng cuối cùng 3 em đã học hết chương trình học kỳ I, một em học hết chương trình lớp 1, các em khác bắt đầu biết viết được những nét cơ bản”.

Ông Lê Thanh Tuyến, Chủ tịch Hội khuyến học phường 3, thị xã Tây Ninh cho biết: “Khi cô Xuân đề nghị cho mở lớp, tôi băn khoăn lắm. Tuy nhiên, thấy cô Xuân quyết tâm vì các em có hoàn cảnh đặc biệt, nên chúng tôi cũng ủng hộ. Lớp học hoạt động khá hiệu quả và được sự đồng tình của người dân. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, vận động hỗ trợ cho lớp”.

Còn Phó Bí thư Đảng ủy phường 3, thị xã Tây Ninh Nguyễn Văn Mần hết sức trân trọng việc làm giàu lòng nhân ái của một đảng viên hơn 30 năm tuổi Đảng -cô giáo Phạm Thị Xuân.

Ông Nguyễn Văn Mần bày tỏ: “Nhìn chung, lớp học hiện nay hoạt động hiệu quả. Bản thân tôi cũng từng là một giáo viên, giả sử để cho tôi phụ trách lớp học này thì rõ ràng tôi không thể làm nổi. Tôi nghĩ rằng, người làm được điều này rất hiếm, bởi vì trẻ em ở lớp học này có đặc thù khiếm khuyết về nhiều mặt. Chỉ có tình yêu thương con người với trách nhiệm, lương tâm của một nhà giáo như cô Xuân mới làm được một điều nhân văn cao cả đó. Đảng ủy nhận thấy rằng, cô Xuân là gương điển hình mà chúng ta cần học tập, noi theo. Đây là một biểu hiện rất tốt trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đồng hành với lớp học từ những ngày đầu, bên cạnh sự giúp đỡ của nhiều Mạnh thường quân, Hội Khuyến học của phường 3 còn có các bạn đoàn viên của Chi đoàn phòng Hồ sơ Công an Tây Ninh.

Chị Ngô Thị Hồng Liên, Bí thư chi đoàn cho biết: “Vì ở cùng địa phương, nên khi nghe thông tin cô Xuân dự định mở lớp, Ban chấp hành chi đoàn thống nhất đồng hành cùng lớp học. Trước khi khai giảng, chi đoàn đã cử đoàn viên đến sửa lại lớp. Từ đó đến nay, chi đoàn còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tặng quà cho các em và cử đoàn viên xuống dạy kỹ năng cho các em vào ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần”.

Chia tay lớp học, cô Xuân trải lòng: “Dù tôi mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng hễ còn sức khỏe, tôi sẽ duy trì lớp học này. Mỗi đứa trẻ đều có quyền được học tập, dù cho chúng là những đứa trẻ đặc biệt…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên