Cô trò khuyết tật với niềm vui vào đại học

(VOV) - Đôi chân của Phương Linh vĩnh viễn không còn hoạt động được nữa, nhưng cô gái này luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay, một hình ảnh khiến bao người xúc động là người cha cõng con đến trường thi của Đại học Công đoàn, Hà Nội. Những nỗ lực của hai cha con giờ đã được đền đáp khi cô trò nhỏ bị bại liệt đôi chân đã đỗ đại học, có cơ hội để tiếp tục theo đuổi mơ ước của mình. Đó là Nguyễn Phương Linh, thí sinh khuyết tật, nhưng chưa bao giờ nghĩ mình bất hạnh.

Trò chuyện với Nguyễn Phương Linh trong ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự rắn rỏi, mạnh mẽ, lạc quan toát lên từ ánh mắt, lời nói đến nụ cười của em. Phương Linh kể: “Trước đây em thích làm nghề báo, nhưng đành gác lại mơ ước đó vì đôi chân không thể đi lại được. Do đó, em đã suy nghĩ và tìm hiểu, quyết định theo đuổi một nghề nghiệp phù hợp với bản thân và có thể giúp ích cho cộng đồng. Linh thi vào ngành Luật của Đại học Công đoàn vì mơ ước được làm luật sư để bảo vệ quyền lợi cho những người nhỏ bé, bất hạnh”.

Niềm đam mê văn chương đã đưa Linh tới ước mơ trở thành luật sư (Ảnh: QĐND)

Khi biết tin mình đỗ đại học, người mà Phương Linh nghĩ đến đầu tiên là bố mẹ. Thành công ngày hôm nay sẽ không thể có được nếu như không có những cố gắng, vất vả của người mẹ tảo tần thức khuya dậy sớm, người bố luôn thu xếp công việc để cõng em đến lớp học thêm, đưa em đi thi và động viên trong học tập. Những gì cô bạn này kể, hầu như đều dành cho cha mẹ mình.

“Bố mẹ vất vả vì em rất nhiều, em rất thương bố mẹ. Em muốn học thật tốt để bố mẹ bớt khổ, không làm cho bố mẹ thất vọng vì mình. Em chỉ muốn sống sao để bố mẹ thấy là con gái mình không yếu đuối, dù mọi chuyện xảy ra như thế nào”- Phương Linh chia sẻ.

Sinh ra lành lặn như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng sau cơn sốt bại liệt từ nhỏ, đôi chân của Phương Linh vĩnh viễn không còn hoạt động được nữa. Bố mẹ em gạt nước mắt, chấp nhận sự thật, nuôi con khôn lớn và quyết tâm không để con thất học.

Ông Nguyễn Tấn Nghĩa, bố Linh cho biết, khi đã đến tuổi đi học, Linh rất yếu, xin vào học tại trường Tiểu học Tân Mai nhưng không được chấp thuận. Vợ ông phải tự dạy chữ, dạy toán lớp 1, lớp 2, lớp 3 cho con tại nhà.

Không đành lòng để con quanh quẩn trong 4 bức tường, vợ chồng ông đã đưa Linh tới phòng Giáo dục và Đào tạo quận, đề nghị cho em được đến trường. Cuối cùng, Linh cũng được vào học tại trường Tiểu học Tân Định. Cô bé hòa đồng và làm quen rất nhanh với các bạn. Nguyễn Phương Linh không tự ti về khuyết tật của bản thân và luôn cố gắng học tập để bằng bạn bè.

Ông Nghĩa làm phụ xe buýt, công việc theo ca nhưng phải xin được làm ca sáng để buổi chiều có thể đưa con đi học thêm. Mỗi sáng, ông ra khỏi nhà từ 3h30, buổi chiều lại đưa con đi học. Từ nhiều năm nay, niềm hạnh phúc của ông là được làm đôi chân cho con gái, giúp con có niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.

“Tôi luôn động viên con là phải đi học để tiếp xúc với thầy cô, bạn bè và xã hội, có kiến thức thì mới đi làm được. Tôi cũng thường xuyên nói với cháu là trong xã hội cũng có rất nhiều hoàn cảnh như con, thậm chí còn bất hạnh hơn. Vì vậy, con không được nản chí mà hãy vượt qua khó khăn để sống có ích”- ông Nghĩa cho biết.

Tiếp xúc với Phương Linh, tôi thấy ở em một nghị lực sống, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Với Linh, đôi chân khuyết tật chỉ gây ra những khó khăn, bất tiện trong cuộc sống, chứ không ngăn nổi ước mơ, hoài bão của em. Linh mong sớm đến giảng đường đại học. Biết là sẽ có nhiều khó khăn khi quãng đường đi học xa hơn, nhưng với Linh, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Phương Linh nói: “Bố mẹ sẽ mua cho em 1 cái xe máy rồi chế thành xe 3 bánh. Bố mẹ lúc nào cũng lo lắng cho con cái, mẹ em lo là đi ra ngoài đường nhỡ có chuyện gì, hay là cả nhà đi vắng hết thì em sẽ phải vật lộn với cái xe máy để đến trường. Tuy nhiên, em cũng nói với bố mẹ là cứ yên tâm. Em sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, cố gắng tự làm được cái gì thì sẽ tự làm để bố mẹ yên tâm đi làm”.

Niềm vui lấp lánh trên gương mặt của cô tân sinh viên Nguyễn Phương Linh, những tiếng cười trong ngôi nhà nhỏ với đồ đạc đơn sơ, giản dị, nhưng chừng ấy đủ để bất cứ ai cũng thấy ấm lòng mỗi khi đến thăm cô gái khuyết tật này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên