Cội nguồn thời khắc thiêng

Tết cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt. Và càng thiêng liêng hơn đối với những người con ở xa Tổ quốc. Tết là thời khắc thiêng để họ hướng về quê hương nguồn cội.

Ngày đoàn viên
Chị Tạ Phạm Bích Thuỷ ở CH Cezch cho biết: “Gia đình tôi sang Cezch sinh sống đã hơn 20 năm nhưng vẫn giữ được nếp sống của người Việt. Có bàn thờ để thắp hương tổ tiên, gói bánh chưng, cắm cành đào, nấu những món ăn Việt Nam trong ngày Tết. Ngày 30 Tết cũng làm bữa cơm tất niên, sáng mồng một Tết đi lễ chùa để cầu bình an cho cả gia đình”. Bữa cơm gia đình trong những ngày Tết thực sự là bữa cơm của sự đoàn viên, chia sẻ, và cùng người thân cảm nhận hương vị nồng ấm của mùa xuân mới.

Ca sĩ Bạch Yến hiện đang định cư tại CH Pháp tâm sự: “Ngày Tết gia đình chị vẫn giữ nguyên phong tục của người Việt đón Tết cổ truyền. Chị và ông xã (giáo sư, nhạc sĩ Trần Quang Hải - PV) cũng làm bữa cơm tất niên, cúng tổ tiên, bày mâm ngũ quả để con cháu biết đón giao thừa của người Việt là như thế nào. Sáng mùng một Tết đi lễ chùa cầu bình an và tham dự những buổi văn nghệ của cộng đồng người Việt tổ chức đón Tết”.

Theo chồng sang Mỹ, rồi lại sang Hàn Quốc sinh sống, mặc dù công việc của chồng khá bận rộn, nhưng cứ đến Tết, chị Thanh Tâm ở Seoul lại dành thời gian chuẩn bị thật đầy đủ mọi hương vị cho cái Tết cổ truyền vì chị không muốn các con chị quên đi nguồn cội. Và cái tục “lì xì” lấy “hên” đầu năm chị không bao giờ quên trao cho các con vào sáng ngày mồng một Tết. Giờ phút chuyển giao năm cũ sang năm mới luôn khiến cho lòng người nao nao và tình cảm nhớ cố hương càng trở nên da diết hơn bao giờ hết, nhất là đối với những người lớn tuổi, bởi có đi xa mới thấu hiểu được nỗi lòng của người xa xứ mỗi khi Tết đến Xuân về.

Anh Cao Xuân Minh kể: Gia đình anh hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, nhưng mỗi anh em làm việc ở một nước, nên cứ vào dịp Tết, dù có bận đến mấy, mấy anh chị em cũng phải sắp xếp thời gian để về sum họp cùng gia đình. Anh bảo, mẹ anh cũng già rồi, người già hay nghĩ ngợi, nhớ cố hương. Bà lo chuẩn bị Tết từ rất sớm, vẫn giữ nếp xưa làm mâm cơm cúng ông Công, ông Táo; làm bữa cơm Tất niên… Tết gia đình anh có đầy đủ từ bánh chưng, dưa hành, có cành đào, có mứt và những món ăn thuần Việt. Mẹ anh cũng vẫn giữ tục mừng tuổi đầu năm cho con, cháu, mặc dù bây giờ mấy chị em anh cũng đã 40 - 50 tuổi cả rồi. Ngày mồng một Tết, bà thường cùng các con, cháu đi lễ chùa cầu may. Gia đình đông đủ con cháu, hạnh phúc và sung túc. Tuy nhiên anh biết, trong sâu thẳm mẹ vẫn nhớ về cố hương, bởi cứ sau giao thừa là bà nhấc máy gọi điện thoại về Việt Nam để chúc Tết họ hàng, người thân và để ít nhiều cảm nhận được hơi thở mùa xuân nơi quê nhà.

Giữ bản sắc Việt
Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là việc làm thường xuyên trong các hoạt động cộng đồng cũng như mỗi gia đình người Việt ở hải ngoại. Chị Tạ Phạm Bích Thuỷ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ Hương Việt ở CH Cezch, cho biết: “Việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ người Việt ở Cezch là việc làm thường xuyên để các em giữ được bản sắc của người Việt Nam. Tuy sống ở nước ngoài, nhưng các em vẫn không quên mình là người Việt Nam vì dòng máu Việt Nam đang chảy trong huyết quản mình.

Dòng máu ấy chảy từ đời ông, cha cho tới tận đời con cháu chúng ta mà người phụ nữ trong gia đình phải có trách nhiệm giữ gìn. Giữ gìn bản sắc cũng có nhiều cách, như trong gia đình phải ăn những món ăn Việt Nam, rồi duy trì tiếng mẹ đẻ. Đặc biệt trong những dịp lễ, Tết, ngoài việc tổ chức các hoạt động trong cộng đồng thì mỗi gia đình đều chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho Tết để các em, các cháu nhớ về nguồn cội. Tổ chức tập văn nghệ cho các em với những điệu múa sen, múa nón, múa quạt, múa sạp, những bài hát Việt Nam”. ở Seoul (Hàn Quốc), chị Thanh Tâm bày tỏ: “Tôi dạy cho các cháu lớn lên theo cách của người Việt Nam. Dạy cho các cháu lễ nghĩa, đi thưa về trình theo phong tục của người Việt Nam. Các cháu đều biết các món ăn Việt Nam, nói - viết và hiểu được tiếng Việt”. Còn trong gia đình anh Sean Nguyễn, người Việt ở Hoa Kỳ, thì việc giáo dục truyền thống chủ yếu do mẹ anh truyền dạy. Anh tâm sự: “Mẹ tôi thường dạy các con, cháu các phong tục, tập quán của người Việt Nam như đi thưa về trình, cách quan tâm, chăm sóc đến mọi thành viên trong gia đình. Mẹ tôi cũng rất hay đi lễ chùa trong những ngày lễ, Tết và thường nhắc nhở con cháu về các ngày lễ, Tết của dân tộc”./.

Trở về để sẻ chia và cảm nhận

Với mỗi người Việt xa xứ, trở về không chỉ để tận hưởng trọn vẹn thời khắc chuyển giao giữa năm cũ qua đi, đón một năm mới đến trong không khí đầm ấm sum vầy, mà chính quê hương đã khơi nguồn sáng tạo, giúp cho cảm xúc của người nghệ sĩ được thăng hoa. Sống xa quê hương hơn 30 năm, giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đã làm rạng danh đất nước bằng những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực âm nhạc và trở thành nhạc sĩ châu Á đầu tiên được trao phần thưởng cao quý “Nhà hoạt động nghệ thuật công huân nước CH Liên bang Nga” vào năm 2001.

GS-NS Nguyễn Lân Tuất tâm sự: “Hàng năm, mặc dù rất bận nhưng tôi vẫn cố gắng về Việt Nam, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, vì cái không khí của Tổ quốc rất quan trọng đối với người nhạc sĩ. ở nước ngoài có thể xem ảnh, nghe nhạc về Tổ quốc để có được cảm xúc sáng tác, nhưng nó khác hẳn khi mình về sống trên đất Mẹ để cảm nhận và viết ra những gì trái tim mình rung động”. 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên