Cộng đồng người Việt tại Romania

Hiện nay, có khoảng 500 người Việt Nam định cư tại thủ đô Bucharest, Romania và là một cộng đồng mang tính chất “gia đình”, được đánh giá là có tính ổn định nhất tại Đông Âu.  

Cộng đồng người Việt Nam tại Romania được hình thành cách đây hơn hai thập niên. Mặc dù số người không đông, chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ song ngay từ năm 1992, những người Việt Nam tại Romania đã tập hợp và thành lập Hội người Việt Nam tại Romania với số thành viên ban đầu chỉ hơn 20 người.

Trải qua 17 năm hoạt động, Hội người Việt Nam tại Romania đã tổ chức 11 lần đại hội và số lượng hội viên là những người Việt Nam định cư (chưa tính số sinh viên du học, các công nhân Việt Nam làm việc tại các nhà máy của Romania) đã tăng lên gần 500 người.

Nói về cộng đồng tại đây, anh Nguyễn Văn Tới, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Romania cho biết, là một cộng đồng non trẻ, với số lượng người Việt không nhiều, đa số bà con ta làm ăn buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại và tập trung đông nhất tại chuỗi trung tâm thương mại “Dragonul Rosu” (Rồng Đỏ) ở thủ đô Bucharest. Gần đây, để thích nghi hơn với điều kiện mới khi thu nhập từ buôn bán nhỏ ngày càng ít đi, đồng thời nhằm hội nhập sâu hơn với nước sở tại, một bộ phận trong cộng đồng đang tìm các hướng đi mới như đầu tư vào bất động sản, nhà hàng và một số lĩnh vực khác có tính chất ổn định hơn, không phụ thuộc vào mùa vụ nhiều như hiện nay.

Anh Phạm Lịch Sự, quê Thanh Hoá, buôn bán tại Trung tâm thương mại Dragonul Rosu -2, đã sang Romania 10 năm nay cho biết: nét đặc trưng của cộng đồng người Việt ở đây là tính ổn định cả về công việc kinh doanh lẫn địa vị pháp lý. “Bởi vì hầu hết những người bên này đều có giấy tờ cư trú hợp pháp, khoảng 60% có nhà riêng, cửa hàng buôn bán. Còn 40% những người mới sang chưa có quầy hàng, có nhà thì thuê nhưng tất cả đều hợp pháp, làm ăn chính đáng đúng với pháp luật của Romania”- anh Sự nói.

Tuy nhiên cộng đồng người Việt Nam tại Romania cũng đang chịu áp lực rất lớn do khủng hoảng kinh tế. Romania là nước mới gia nhập Liên minh châu Âu (EU), được coi là nền kinh tế mới nổi song đang bị ảnh hưởng bởi “cơn bão khủng hoảng tài chính”, kéo theo là sự suy giảm sức mua hàng hoá của người dân, sản xuất đình trệ, thất nghiệp tăng nhanh. Anh Lê Quí Đôn đã sang Romania 14 năm, là uỷ viên Ban chấp hành Hội người Việt cho biết, mấy tháng đầu năm nay công việc của bà con chỉ cầm chừng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Anh Đôn nói: “Do khủng hoảng kinh tế tại Romania cũng như tại các nước Đông Âu, tất cả mọi nơi hàng hoá tiêu thụ kém, thu nhập sẽ bị giảm đi. Năm 2009, trong tháng 1, tháng 2, tháng 3 coi như không buôn bán gì được… Bà con phần đông ăn vào vốn trong mấy tháng vừa qua!”.

Đường tới trụ sở nhà Quốc hội Romania

Tuy nhiên anh Đôn cũng cho biết, thông thường từ tháng 3 đến tháng 6 là vụ hè thì người Việt Nam và Trung Quốc tại Romania buôn bán tốt, hy vọng trong những  tháng sắp tới tình hình sẽ khá hơn.

Bên cạnh những hoạt động “mưu sinh” và những vất vả đời thường ấy, cộng đồng người Việt tại Romania vẫn thể hiện tình thần đoàn kết rất rõ trong các sinh hoạt cộng đồng. Mọi người thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao, tổ chức chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước tại “ngôi nhà chung” - trụ sở Đại Sứ quán tại Bucharest.

Trong đại hội lần thứ 12 của Hội người Việt Nam tại Romania dự kiến sẽ tổ chức vào đầu tháng 4 năm nay, Hội sẽ kiện toàn về tổ chức, cùng phối hợp với Đại Sứ quán tổ chức tốt năm “Ngoại giao văn hoá” tại Romania, đồng thời cũng hoàn thiện về tư cách pháp nhân của Hội để có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hội Hữu nghị Romania - Việt Nam và chính quyền sở tại.

Định cư lâu dài tại nước bạn, song cộng đồng người Việt tại Romania có sự gắn bó mật thiết với trong nước, luôn hướng về đất nước. Song có một điều mà những người đã nhiều năm sống tại Romania vẫn còn trăn trở đó là việc dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai và xác định tương lai cho các em. Trên thực tế, đa số con em thế hệ thứ hai của người Việt tại Romania đều nói được tiếng Việt, song viết rất khó khăn và không biết nhiều về đất nước. Cho đến nay, vẫn chưa có một lớp học tiếng Việt chính thức cho con em người Việt tại đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên