Đánh bắt tôm của người Việt ở bang Louisiana bị tê liệt vì dầu tràn

Gần 2 tháng kể từ khi xảy ra vụ tràn dầu ở vịnh Mexico (Mỹ), cuộc sống của rất nhiều người dân bang Louisiana bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có cộng đồng người Việt đang làm nghề đánh bắt tôm ngoài khơi.

Bà con người Việt tại đây đang đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn trong cuộc sống. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ đã có mặt tại hiện trường và trò chuyện với ông Đoàn Quang, một trong hàng trăm ngư phủ bị ảnh hưởng nặng nề do sự cố tràn dầu này.  

PV: Xin ông cho biết, từ khi xảy ra vụ tràn dầu đến nay, công việc đánh bắt tôm ngoài khơi của bà con người Việt ở đây bị ảnh hưởng ra sao?

Ông Đoàn Quang: Bà con sống ở thành phố nơi tôi đang ở và vùng phụ cận, đa số làm nghề đánh bắt tôm ngoài khơi. Sau khi xảy ra vụ tràn dầu của hãng BP, công việc làm ăn của bà con gặp rất nhiều trở ngại, do bị cấm khai thác, đánh bắt trong khu vực tràn dầu. Trong trường hợp chuyển sang vùng khác khai thác thì bà con phải lấy các dụng cụ nặng ở dưới biển lên sau đó di chuyển sang khu vực khai thác mới. Như vậy, công việc gặp rất nhiều trở ngại.

PV: Cuộc sống của bà con người Việt có bị ảnh hưởng nhiều không, thưa ông?

Ông Đoàn Quang: Cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng rất nhiều, bởi nguồn thu nhập chủ yếu của họ trông chờ từ nguồn lợi đánh bắt tôm. Cho đến nay, gần hai tháng trôi qua, bà con người Việt ở đây không có nguồn thu ổn định để lo cho cuộc sống gia đình.

* BP đồng ý bồi thường 20 tỷ USD vụ tràn dầu

* Tổng thống Mỹ phát biểu về thảm họa tràn dầu

* Nỗ lực khắc phục dầu tràn của Mỹ thất bại

PV: Thưa ông, ở bang Louisiana có bao nhiêu gia đình người Việt làm nghề đánh bắt tôm? Ngoài nghề đánh bắt tôm, bà con mình có việc làm nào khác để kiếm sống không?

Ông Đoàn Quang: Trong thành phố Abbeville nơi tôi ở có trên 200 gia đình Việt Nam làm nghề đánh bắt tôm ngoài khơi. Những vùng phụ cận có khoảng 300 gia đình làm nghề này. Thông thường với mỗi gia đình, chồng đi đánh bắt ngoài khơi, còn vợ ở nhà làm cho các hãng chế biến tôm. Khi nghề đánh bắt này bị tê liệt thì cả một dây chuyền từ chủ tàu, các bà vợ của chủ tàu và các gia đình đều bị đình trệ công việc. Hiện tại, đa số mọi người chưa thể xoay được sang các công việc khác, do những cản trở về ngôn ngữ.

PV: Cộng đồng người Việt làm nghề ngư phủ thì cuộc sống có sung túc không, thưa ông?

Ông Đoàn Quang: Cha ông ta có câu “Tiền rừng bạc bể”, tiền vào rất nhiều và tiền ra cũng rất nhiều. Hôm nay có thể được 10.000 USD nhưng mai có thể bị mất đi 12.000 USD. Lý do bởi vì mình không thể biết tai nạn gì sẽ xảy ra đối với tàu của mình. 5 năm trước rất nhiều anh em ngư phủ phải bỏ tàu và phải khai vỡ nợ vì không thể làm nổi nghề này. Họ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn để mưu sinh.

PV: Từ khi xảy ra sự cố tràn dầu, chính quyền địa phương và liên bang có hỗ trợ gì cho các nạn nhân không, thưa ông?

Ông Đoàn Quang: Từ khi xảy ra thảm họa tràn dầu do hãng BP gây ra vào ngày 20/4, bà con trông chờ chính quyền địa phương và liên bang hỗ trợ, nhưng cho tới nay chúng tôi chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về tài chính. Những ai có tiền tiết kiệm đã phải mang ra để tiêu pha trong gia đình.

Sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống ngư dân

PV: Trong hoạn nạn, cộng đồng người Việt ở Mỹ đã phát huy tinh thần tương thân tương ái như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Quang: Bà con người Việt ở Mỹ vẫn hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Ví dụ như trong việc đi lại, trước đây mỗi khi xuống tàu, mặc dù sống trong cùng một xóm nhưng mỗi người đi một xe, bây giờ mọi người đã đi chung một xe. Đó là một cách hỗ trợ nhau rất hay. Bà con người Việt vẫn đang cùng nhau tìm ra những giải pháp tiết kiệm, đồng thời giúp nhau vượt qua lúc khó khăn này.

PV: Tổng thống Mỹ Obama và tập đoàn dầu khí BP vừa đạt được thỏa thuận lập quĩ 20 tỷ USD để đền bù cho các nạn nhân bị ảnh hưởng sau sự cố tràn dầu. Bà con người Việt đón nhận thông tin đó như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Quang: Trong khu vực chúng tôi, các linh mục và anh em thiện nguyện sẽ có một cuộc họp để phổ biến thông tin này. Bà con vùng biển muốn biết số tiền 20 tỷ USD đó sẽ được phân phối như thế nào cho anh em ngư phủ bị ảnh hưởng bởi sự cố dầu loang này.

PV: Năm 2005, bang Louisiana đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận bão Katrina, và lần này lại là thảm họa tràn dầu. Về bản chất, một sự việc do thiên tai gây ra, còn một sự việc do con người gây ra. Theo ông, thảm họa nào để lại hậu quả nặng nề hơn cho bà con làm nghề biển?

Ông Đoàn Quang: Các cụ có câu: “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Sau cơn bão, người ta có thể dọn dẹp những rác rưởi ở ngoài biển, hoặc những đống đổ nát để tiếp tục công ăn việc đánh bắt. Nhưng đối với thảm họa dầu tràn ngoài khơi do con người gây ra, tôi nghĩ thảm họa này là quá lớn đối với ngư phủ. Hiện tại, chúng tôi không biết tương lai đi về đâu, không biết rằng nghề đánh bắt này còn tồn tại nữa hay không, để có thể tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Chúng tôi đang sống trong phập phồng, lo sợ, và hoang mang.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên