Dạo chợ Đồng Xuân và Sapa ở xứ Tây

Chợ Đồng Xuân và chợ Sapa ở Đức và Cộng hoà Czech không chỉ in dấu ấn của cộng đồng người Việt, mà còn là điểm đến trên bản đồ du lịch của hai thủ đô Berlin và Praha.

Ký sự, phóng sự của nhiều tác giả về cuộc sống sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Đông Âu được đăng tải thường xuyên. Tuy nhiên cái nhìn "cỡi ngựa xem hoa" của các tác giả chỉ phản ánh phần nào sự thật. Giới thiệu đến bạn đọc một trong các bài viết đó.

Đức và Cộng hoà Czech có chợ Đồng Xuân và chợ Sapa không chỉ in dấu ấn của cộng đồng người Việt, nhưng đều là điểm đến trên bản đồ du lịch của hai thủ đô Berlin và Praha.

Hai tên chợ này cũng nằm sâu trong tâm tưởng của người Việt đã từng sống hoặc đến thăm hai nước châu Âu này.

Đồng Xuân có báo từ Việt Nam sang

Nằm tại phía bắc Berlin, chợ Đồng Xuân lọt thỏm giữa vài toà nhà cao tầng. Bất chợt gặp những biển hiệu bằng tiếng Việt, tôi quên hẳn cái cảm giác đang ở một cường quốc châu Âu. Chợ có nhiều dãy dài, dưới mái, các cửa hàng đâu lưng vào nhau, hàng hoá xếp ngăn nắp. Các cửa hàng được phân khu theo chủng loại hàng, từ đồ khô đến đồ tươi, vải vóc quần áo cho đến đồ gia dụng và không khí buôn bán chẳng khác gì các khu chợ tại Việt Nam. Những câu chào mời, hỏi thăm, trả giá bằng tiếng Việt không hề pha trộn khiến anh bạn người Đức của tôi phải thốt lên: “Tôi là khách du lịch tại đây, ngay trên chính quê hương mình. Kiểu kinh doanh buôn bán tại đây thật khác!”

Ấn tượng nhất với tôi là cửa hàng bán sách, báo, tạp chí và văn phòng phẩm. Ngoài các loại băng đĩa, sách truyện tiếng Việt, nhiều thứ không thể kiếm được ở quê nhà; đáng chú ý hơn là có mặt những tờ báo tin tức hàng ngày của Việt Nam. Bà Hạnh, quê Sài Gòn, chủ quầy sách báo cho hay: “Bà con ở đây rất quan tâm tin tức trong nước, người trẻ thích lên mạng xem nhưng người lớn vẫn chọn đọc sách báo dù tin tức đã trễ một vài hôm”.

Dù trễ vài hôm nhưng cộng đồng người việt tại Berlin cũng mua báo từ quê nhà gửi sang
Đôi mắt tò mò của tôi khiến chị Nhung, chủ cửa hàng quần áo nhận ra tôi là khách du lịch. Chị kể những câu chuyện của bà con buôn bán quanh chợ với nhiều người là dân từ miền Nam Việt Nam. Bà con tại chợ mua sỉ đủ các loại hàng hoá từ Việt Nam và các nước châu Á sang bán lại cho những tiểu thương khác. 60% khách hàng đến chợ này là những người Việt có cửa hàng ăn uống, tạp hoá… tại Berlin và các thành phố lân cận. Khách hàng còn lại là người Đức và người dân thu nhập thấp từ một số nước giáp phía đông và đông bắc nước Đức. “Nói chung bà con tại đây làm ăn tốt. Ai chăm chỉ đều thành công. Người biết tiếng Đức và tiếng Anh thì lợi thế hơn nhiều”, chị Nhung nói.

Anh Liệu và anh Tuấn bán hàng ăn và tiệm tạp hoá ở tây Berlin cũng thường đến Đồng Xuân lấy hàng về bán. “Hàng Việt và hàng châu Á ở đây phong phú, chất lượng, muốn cỡ nào cũng có”, anh Liệu nói. Thế nhưng, nhiều bà con gắn bó với trung tâm buôn bán này hàng chục năm nay lại đang băn khoăn, lo ngại chất Việt của chợ Đồng Xuân sẽ không còn, vì nhiều người Việt đã chuyển lên khu chợ Thái Bình Dương mới mở cách đó khoảng 2km. Những cửa hàng tại đây đang cho người Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Trung Đông thuê lại.

Sapa có báo tiếng Việt của người Việt

Nhờ chị Nhung giới thiệu, tôi sang chợ Sapa ở Cộng hoà Czech bằng xe hơi của một người Việt từ Đức sang Praha giao hàng, với giá tiền bằng một nửa giá đi tàu hoả. Đến cổng chợ, tôi được nhắc chuẩn bị hộ chiếu trong trường hợp bị kiểm tra vì tình hình an ninh tại chợ Sapa được thắt chặt, do nhiều người châu Á không có giấy tờ hay lẩn trốn tại chợ này.

Chợ gồm những dãy nhà không lầu nằm giữa khoảng đất trên một ngọn đồi ở Praha 4, phía nam thủ đô Praha. Một số bờ tường của những gian nhà cũ bị trận hoả hoạn lớn năm 2008 vẫn còn sót lại. Bà Hương, bán phở tại chợ cho hay, “dù chợ đã được xây dựng lại nhưng nó không khang trang bằng ngày xưa”. Ngoài những mặt hàng thường có của một khu chợ mở, còn có những dịch vụ từ phòng vé máy bay đến nơi đăng ký tour du lịch, thậm chí là nhà cái cá độ đá banh cũng phục vụ ngay trong khuôn viên chợ. Một “China town” nhỏ nằm ngay trong chợ Sapa với những món ăn đặc trưng của người Hoa.

Chợ Sapa giống như một nơi thông tin cộng đồng chung của người Việt. Giữa chợ có một khu vực gắn bảng thông báo, đầy ắp các thông tin, từ cáo phó về người thân của một tiểu thương trong chợ, thông báo về một sự kiện, hoạt động trong cộng đồng cho đến các thông tin về việc làm, thuê người giúp, dạy tiếng Anh, tiếng Czech. Sách báo tại đây không phong phú như tại Đồng Xuân nhưng đặc biệt có nhiều tờ báo tiếng Việt do cộng đồng người Việt tại Czech phát hành.

Người Việt tại chợ Sapa kín đáo và dè dặt, ánh mắt rất chăm chú đối với bất cứ người khách lạ nào mỗi khi đi qua các cửa hàng của họ. Bà con tại đây hầu hết là người miền Bắc Việt Nam. Bà con luôn cảnh giác với người lạ do nhiều chuyện không tốt xảy ra tại chợ, khiến chính quyền kiểm tra liên tục, ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán. Thậm chí, chợ Sapa đã từng được nhiều nghị sĩ nước này đòi đưa lên bàn quốc hội để bàn thảo. “Một số người Czech gốc Việt đã mua nguyên khu đồi có chợ, kế hoạch xây dựng khu thương mại có khu dân cư bao bọc. Hy vọng ý tưởng này sẽ cải thiện nơi làm ăn sinh sống của người Việt tại Praha”, bà Hương cười khi chia tay tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên