Dấu ấn Việt Nam ở Noyant d'Allier

Noyant d'Allier, ngôi làng nhỏ ở miền Trung nước Pháp là nơi đón tiếp những người phụ nữ Việt Nam sau chiến tranh Đông Dương. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là tình cảm dành cho quê hương Việt Nam vẫn luôn sâu đậm

Khi Hiệp định Geneva được ký ngày 20/7/1954, quân Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Sau đó, Chính quyền Pháp thực hiện chính sách hậu chiến, đưa vợ và con cái của những người Pháp chết trận về nước. 55 năm qua, cuộc sống của những con người này ra sao? Phóng viên VOV thường trú tại Pháp đã tới thăm nơi mà những con người này đang sinh sống và ghi lại những gì đang diễn ra nơi đây.

Ngôi làng nhỏ Noyant d'Allier ở miền Trung nước Pháp là một trong 2 ngôi làng đón tiếp những người phụ nữ Việt Nam được đưa về Pháp sau chiến tranh Đông Dương. Trước kia, Noyant d'Allier là khu vực khai thác than của Pháp. Từ năm 1943, khi nguồn than bắt đầu vơi dần và việc khai thác ở đây trở nên đắt đỏ hơn so với ở nước ngoài, các mỏ than đã bị đóng cửa. Nhiều ngôi nhà dành cho công nhân than bị bỏ hoang. Các gia đình người Việt được đưa về đó, sau này được nhà nước Pháp nhượng lại với giá ưu đãi.

55 năm trôi qua, trong số khoảng 2.000 người được đưa về Noyant d'Allier và một số ngôi làng lân cận, những người phụ nữ còn sống đến bây giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Bà Nguyễn Thị Bình, năm nay đã bước sang tuổi 81, là một trong số những người phụ nữ như vậy. Trước đây, do hoàn cảnh, bà Bình đã kết hôn với người Pháp. Hoàn cảnh của bà như thế nào, có lẽ không quan trọng, chỉ chắc một điều như lời khẳng định của bà Bình: “Tôi cũng là Việt Minh, cũng là cách mạng, theo Bác vì độc lập. Ở miền Bắc, ai cũng là phụ nữ, thanh niên cứu quốc. Một đứa trẻ cũng là con cháu bác Hồ”.

Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là tình cảm dành cho quê hương Việt Nam vẫn luôn sâu đậm. Sau khi 8 đứa con đã trưởng thành và đều thành đạt, giờ đây năm nào bà Bình cũng dành dụm tiền để về thăm quê hương.

Đối với bà Jacqueline Szymonic, 71 tuổi, thì dù ở bất kỳ nơi đâu, bản chất, tâm hồn của con người Việt Nam và quê hương Việt Nam vẫn phải giữ. Từ nhiều năm qua, bà là cầu nối giữa những người Việt ở Noyant d'Allier với chính quyền địa phương. Bà Jacqueline cũng là người đứng ra tổ chức các hoạt động gìn giữ và giới thiệu văn hoá Việt Nam đến với bạn bè Pháp. Năm 2005, kỷ niệm 50 năm những người Việt Nam đến Noyant d'Allier, bà Jacqueline cùng cộng đồng người Việt tổ chức một buổi lễ lớn để kỷ niệm. Hàng năm, người Việt ở đây đều tổ chức một khu chợ giới thiệu các món ăn Việt Nam.

Bà Jacqueline cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng tổ chức chợ bán đồ ăn thức uống Việt Nam như bún chả, bún riêu, phở, thịt gà... với mục đích là để bà con ta tại đây nhớ tới và gìn giữ phong tục, nét truyền thống của dân tộc mình. Đã ở trong hoàn cảnh này, bao giờ cũng phải giữ gìn phong tục truyền thống của cha ông, tổ tiên. Nhất định phải làm được điều đó”.

Sự có mặt của những con người Việt Nam đôn hậu khiến cho ngôi làng hẻo lánh Noyant d'Allier như được sống lại sau một thời hoang phế. Rất nhiều những người con thế hệ sau của các gia đình người Việt Nam học hành chăm chỉ và thành đạt. Nhiều người trở thành kỹ sư, bác sỹ, giảng viên... Họ làm việc và sinh sống ở các thành phố lớn của nước Pháp và thường xuyên trở về thăm người thân cũng như nơi họ đã sống khi mới sang Pháp.

Phó thị trưởng Noyant d'Allier Yves Petiot là một trong những người có nhiều tình cảm với cộng đồng người Việt tại ngôi làng này: “Đối với tôi, những con người Việt Nam, những hình ảnh và hoạt động của họ đã trở thành một phần của ngôi làng Noyant d'Allier. Họ đã làm sinh động thêm cho ngôi làng nhỏ bé này. Còn đối với nhiều du khách đến Noyant d'Allier, những hình ảnh về người Việt Nam tại đây là một điều đặc biệt”. 

Ngay từ năm 1983, chính quyền địa phương ở Noyant d'Allier đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ở đây xây dựng một ngôi chùa Việt Nam để chăm lo đời sống tinh thần. Tiếp chuyện với chúng tôi, Thị trưởng Yves Petiot thực sự ấn tượng về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam đội nón lá mỗi sáng chủ nhật lên chùa làm lễ.

Chia tay Noyant d'Allier, hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam vẫn lưu lại trong tâm trí chúng tôi. Đó là những người luôn biết đùm bọc lẫn nhau, hướng về quê hương và biết gìn giữ những nét văn hoá truyền thống dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên