Dạy trẻ nhớ về cội nguồn bằng tiếng Việt
Người Việt ở nước ngoài không khỏi buồn khi thấy con em mình không biết tiếng Việt, bởi quên tiếng mẹ đẻ nghĩa là sẽ quên gốc gác, cội nguồn...
-Cháu tên là gì và cháu học tiếng Việt lâu chưa?
-Cháu là Phạm Kiều Anh, 12 tuổi. Cháu học tiếng Việt lâu rồi nhưng vẫn chưa biết nhiều.
-Học Tiếng Việt cháu thấy có khó không?
-Cháu đang cố gắng học. Tiếng Việt học không khó nhưng cần là muốn học.
Cuộc trao đổi với em Phạm Kiều Anh, 12 tuổi cùng các em nhỏ mà chúng tôi có dịp gặp gỡ tại một Trung tâm dạy tiếng Việt tại Prague-Cộng hòa Czech giúp chúng tôi hiểu hơn những khó khăn trong việc dạy và học tiếng Việt của cô và trò người Việt ở nước ngoài.
Một lớp học tại Trung tâm dạy tiếng Việt ở Prague-Cộng hòa Czech |
Có một thực tế là trẻ em Việt Nam ở nước ngoài ngày nay đang dần xa cách với văn hóa truyền thống của đất nước. Bị cuốn theo chương trình học dày đặc bằng ngôn ngữ nước sở tại, các em không còn thời gian để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, thậm chí không biết dân ca là gì hay nồi bánh chưng Tết có ý nghĩa ra sao.
Sinh ra tại nước ngoài, các em có cả một thế giới tuổi thơ gắn liền với những bạn bè người nước ngoài, hòa nhập trong nếp sống và ngôn ngữ của họ. Bởi vậy, vô hình chung tiếng mẹ đẻ lại chỉ được coi là ngôn ngữ thứ 2, tiếng Việt trở thành ngoại ngữ cũng là điều dễ hiểu. Trong lòng không ít các bậc cha mẹ đều canh cánh một nỗi lo chung là làm thế nào để trẻ hiểu được tại sao phải học và hào hứng học tiếng Việt, trong khi các em hoàn toàn thoải mái trong một môi trường ngôn ngữ khác.
Được bố mẹ quan tâm, giành thời gian dạy tiếng Việt và truyền thống cội nguồn, 2 bé Ái Linh và Ái Chi (con ông Phạm Dũng, ở Prague), Tết vừa rồi đã biết viết thư và gửi tiền chúc Tết các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa |
Ông Phạm Dũng, ở Prague, Cộng hòa Czech chia sẻ: “Về nhà tôi bắt các cháu nói bằng tiếng của bố mẹ, và ngoài kênh đó tôi nhờ mua và gửi sang tất cả các loại sách, tất cả các loại truyện cổ tích của thiếu nhi Việt Nam cho các cháu đọc, và phải dịch lại cho bố bằng tiếng Czech, xem có chuẩn hay không. Mình phải đặt vấn đề là con mình không biết tiếng, đưa về thăm ông ngoại, ông nội, bà ngoại, bà nội, thì mình nghĩ sao với các cụ, nghĩ sao với hàng xóm, nghĩ sao với họ hàng: bố mẹ đẻ con ra mà mấy đứa con chẳng biết tiếng bố mẹ đẻ gì cả”.
Tại Cộng hòa Czech hiện có khoảng 60.000 người Việt, trong đó thế hệ thứ 2, thứ 3 chiếm một số lượng khá lớn. Trong nhiều năm nay, cộng đồng người Việt tại Czech đã mở nhiều lớp, thành lập nhiều trung tâm dạy tiếng Việt cho con em mình. Tuy nhiên, theo cô Đỗ Thị Bích Hậu (giáo viên tại Trung tâm dạy tiếng Việt tại Prague)-việc dạy tiếng Việt cho các em gặp rất nhiều khó khăn: “Khó khăn đầu tiên là chưa có giáo trình cụ thể cho các cháu từ nhỏ đến lớn. Khó khăn thứ 2 là học sinh theo học không đầy đủ, ở các lứa tuổi và trình độ khác nhau. Thứ ba là, các cháu coi việc học tiếng Việt giống như ngoại ngữ vì vốn từ của các cháu rất ít. Hàng ngày các cháu nói chuyện với bố mẹ nhưng không biết nhiều từ, không hiểu nghĩa của từ”.
Còn theo ông Lê Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm văn hóa Văn Lang-Hiệu trưởng trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Warszawa (Ba Lan), ngoài khó khăn về giáo trình, thì đội ngũ giáo viên cũng rất thiếu thốn. Giáo viên đứng lớp chủ yếu là những người tâm huyết với việc dạy tiếng Việt, trình độ khác nhau. Do vậy khả năng sư phạm, kiến thức chuyên môn cũng còn nhiều hạn chế.
Ông Lê Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm văn hóa Văn Lang-Hiệu trưởng trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Warszawa (Ba Lan) |
Cũng theo ông Lê Xuân Lâm, tại Ba Lan, cộng đồng người Việt ngày càng phát triển, nhu cầu học tiếng Việt của con em cũng tăng lên. Nhiều Trung tâm dạy tiếng Việt ra đời nhằm giúp con em cộng đồng người Việt tại đây học tiếng Việt tốt hơn, để các cháu có thể nói, đọc, viết và nghe hiểu được tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Lâm cũng như những người tâm huyết với việc gìn giữ tiếng Việt tại Đông Âu mong muốn có một bộ giáo trình dạy và học tiếng Việt chuẩn, phù hợp với thời lượng giảng dạy, học tập và hoàn cảnh của học sinh người Việt ở nước ngoài.
Thực tế, học tiếng Việt ở lớp và Trung tâm chỉ phần nào giúp các em người Việt nắm được ngữ pháp. Chính vì vậy, tại nhiều gia đình ở Đông Âu như gia đình anh Phạm Dũng ở Prague (Cộng hòa Czech) hay gia đình anh Nguyễn Việt Quý ở Warszawa (Ba Lan)… thường có quy định với con em mình là chỉ dùng tiếng Việt khi về đến nhà, không sử dụng bất cứ ngôn ngữ nào khác. Song việc học tiếng Việt của con em Việt kiều không phải là đơn giản.
Học tiếng Việt ở lớp và Trung tâm chỉ phần nào giúp các em người Việt nắm được ngữ pháp. |
Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì tiếng Việt không chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp mà còn là công cụ hữu hiệu để lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Những người lớn tuổi không khỏi buồn lòng khi thấy con em mình không biết tiếng Việt, bởi quên tiếng mẹ đẻ nghĩa là sẽ quên đi gốc gác, cội nguồn mà mình đã được sinh ra.
Ông Hoàng Đình Thắng-Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Czech trăn trở: “Chúng tôi thường nói với nhau, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đó là tiếng Việt. Làm gì thì làm, nhưng dạy cho con cháu tiếng Việt và giữ gìn tiếng Việt là việc làm hết sức cần thiết. Chúng ta trở nên vô nghĩa nếu chúng ta kinh doanh rất thành đạt, nhưng con cháu không biết tiếng Việt. Về góc độ gia đình, tôi nghĩ người dạy cho các cháu tốt nhất chính là bố mẹ và người thân của các cháu”.
Việc dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài không đơn thuần là chỉ dạy cho thế hệ trẻ biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ mà thông qua đó dạy các em hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam./.